Cục trưởng Nguyễn Công Khanh. Ảnh: Đức Hiệp. |
Ngày 8/4, tiến sĩ Nguyễn Công Khanh (Cục trưởng Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, Bộ Tư pháp) đã trao đổi với VnExpress về vấn đề này.
- Thưa ông, theo Luật Quốc tịch, ai thuộc diện phải đăng ký lại quốc tịch trước ngày 1/7/2014?
- Điều 13, khoản 2 Luật Quốc tịch sửa đổi (năm 2008) quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn có quốc tịch Việt Nam. Sau 5 năm từ khi Luật này có hiệu lực, kiều bào phải đến cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài để đăng ký giữ, nếu không thì sau ngày 1/7/2014 sẽ mất.
Theo Nghị định 78 hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch, người phải giữ quốc tịch Việt Nam là những người không còn hộ chiếu có hiệu lực kể từ thời điểm điều Luật có hiệu lực (ngày 1/7/2014). Có hai nhóm đối tượng không phải đăng ký quốc tịch: thứ nhất là công dân Việt Nam không định cư ở nước ngoài, thứ hai là Việt kiều mà hộ chiếu còn hiệu lực.
Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng hộ chiếu đã hết hiệu lực (hạn sử dụng) mà không gia hạn lại thì phải đăng ký để giữ quốc tịch.
- Người ra nước ngoài đã lâu nhưng không có hộ chiếu Việt Nam có được coi là có quốc tịch Việt Nam?
- Khó khăn nhất khi thực thi Luật Quốc tịch và văn bản hướng dẫn hiện nay là xác định quốc tịch với người có nguồn gốc Việt Nam nhưng không có bất cứ giấy tờ gì. Những người này thường rơi vào cộng đồng người Việt sống ở nước ngoài, đặc biệt là công dân di tản, người di cư sang Lào, Campuchia rồi trở lại Việt Nam sinh sống.
Với tư cách là cơ quan quản lý về tư pháp cho nhà nước, chúng tôi sẽ có đề xuất sửa Luật Quốc tịch. Nhưng để sửa một cách có bài bản bộ luật lớn như vậy đòi hỏi phải có thời gian.
Từ nay đến tháng 5 để sửa đổi Luật là điều rất khó. Vấn đề thời hạn đăng ký quốc tịch, Cục đã có kiến nghị với Bộ Tư pháp theo hướng gia hạn để tạo thuận lợi cho bà con. Ngày 10/4 tới, Bộ sẽ làm việc với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để bàn việc này. Quyết định cuối cùng sẽ trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội.
Trong thời gian đăng ký giữ quốc tịch, Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an nghiên cứu bài bản từng điều của Luật Quốc tịch để có những sửa đổi phù hợp hơn nhằm thực hiện hiệu quả quy định của Hiến pháp, bảo vệ quyền và nghĩa vụ công dân. Nếu chỉ sửa đổi một điều hoặc một khoản có tính chất tình thế, tôi nghĩ sẽ nảy sinh nhiều vấn đề khó khác, chưa thể giải quyết.
- Bộ Tư pháp quan ngại gì về việc hiện chỉ có 6.000 trong số 4,5 triệu kiều bào đăng ký giữ quốc tịch?
- Việc quy định đăng ký giữ và mất quốc tịch hoàn toàn do luật lúc đó quy định. Để thực thi Luật, Bộ Ngoại giao đã tổ chức đăng ký cho những người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ quốc tịch. Vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay có rất ít người đăng ký.
Tôi cho rằng, tính hiệu quả trong thực hiện quy định của pháp luật phụ thuộc 2 yếu tố. Đầu tiên là cơ quan nhà nước triển khai các bước có bài bản không? Tập huấn, vận động, hướng dẫn triển khai thực hiện như thế nào? Thứ hai là nhận thức của người dân. Khi người dân nhận được quyền và lợi ích, ý thực được trách nhiệm của họ thì họ sẽ tự nguyện thực hiện.
Việc đăng ký giữ quốc tịch không giống thực hiện các biện pháp hành chính. Quy định này cũng mang tính chất tự nguyện từ phía người dân. Quyền giữ quốc tịch là của người dân, trách nhiệm của Nhà nước phải đảm bảo cho người dân có quốc tịch. Ngược lại, người dân cũng phải xác định nghĩa vụ của mình trong việc khai báo, đăng ký mình là công dân Việt Nam.
Theo tôi, một số người chưa đăng ký giữ quốc tịch vì lo lắng quyền lợi của họ ở nước sở tại sẽ bị ảnh hưởng. Có một số địa bàn nhạy cảm về chính trị, bà con kiều bào ta rất e ngại trong việc đăng ký giữ quốc tịch...
Pháp luật cũng đã đến lúc phải được thượng tôn. Công dân muốn Nhà nước bảo hộ và dành quyền cho mình thì họ phải thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ với Nhà nước. Chúng tôi quan niệm đăng ký giữ quốc tịch cũng là cách thể hiện trách nhiệm của công dân.
- Có ý kiến cho rằng việc này là nhiêu khê, gây khó dễ cho bà con kiều bào?
- Ý kiến thì có nhiều nhưng qua nghiên cứu chúng tôi thấy: Nếu nhìn lại Việt Nam sau năm 1975, đặc biệt là sau khi Giải phóng miền Nam thì có một số lượng rất lớn người Việt ra nước ngoài. Ở nước ngoài, họ tự nhận là mình không có quốc tịch... Pháp luật Việt Nam, kể cả Pháp luật của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và chế độ cũ trước năm 1975 chưa khi nào quy định công dân Việt Nam mặc nhiên bị mất quốc tịch nếu có quốc tịch nước ngoài.
Luật Quốc tịch Việt Nam năm 1988 đã đưa ra quy định có tính chất kế thừa luật trước đó và rất phù hợp với thông lệ Quốc tế. Theo đó, công dân Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam kể từ trước ngày luật này có hiệu lực. Điều này hàm ý đã bao gồm tất cả những người trong nước và nước ngoài.
Đứng trước một chủ trương, một chính sách lớn, bao giờ cũng có nhiều phản ứng trái chiều. Tuy nhiên, tôi cho rằng nhận thức của họ chưa được đầy đủ hoặc họ chưa hiểu rõ lịch sử của vấn đề quốc tịch Việt Nam.
Một trong những mục đích thực hiện việc đăng ký giữ quốc tịch là nhằm bảo hộ công dân Việt Nam tốt hơn. Thứ hai là tạo sự thuận lợi cho các cơ quan Nhà nước trong việc quản lý.
Việc này không phải là nhiêu khê. Như tôi đã nói, đây là câu chuyện do hoàn cảnh lịch sử để lại. Ngay trong cộng đồng người Việt cũng có những suy nghĩ, những nhận thức chưa đúng vấn đề này.
- Những người không đăng ký giữ quốc tịch sau 1/7 họ sẽ thế nào?
- Nếu muốn có quốc tịch Việt Nam thì họ phải đăng ký xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 78 và chúng tôi cũng đề xuất sửa đổi một số vấn đề liên quan đến quốc tịch, tạo điều kiện thuận lợi cho những người không đăng ký sau ngày 1/7 được trở lại quốc tịch Việt Nam.
- Ông lo ngại gì về việc sau một đêm hàng triệu người sẽ mất quốc tịch Việt Nam?
- Điều 18 của Hiến pháp quy định: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Nhà nước vẫn tạo điều kiện khuyến khích họ để họ giữ quan hệ gắn bó với quê hương, gia đình và góp phần xây dựng đất nước. Cả dân tộc, cả đất nước vẫn đón chào họ.
Tôi đặt trong hoàn cảnh rất cụ thể, chẳng hạn như trong gia đình tôi có một người con. Nó bỏ quốc tịch Việt Nam và nhập quốc tịch Đức. Dù là quốc tịch nào, nó cũng là con tôi. Đến ngày Tết, tôi vẫn mở rộng cửa đón con cái về sum họp. Mình phải tách bạch rất rõ quyền và nghĩa vụ của công dân với những quyền về nhân thân, gắn bó tình cảm với cội nguồn. Đó là hai vấn đề khác nhau. Khi anh mất quốc tịch Việt Nam nghĩa là anh không được hưởng quyền và không phải làm nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật nữa. Ngược lại, theo điều 18 Luật Hiến pháp anh vẫn là nguồn gốc Việt Nam, dòng dõi con Lạc cháu Hồng. Cho nên, việc mất quốc tịch không ảnh hưởng nhiều đến người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Tôi tin rằng theo quy định của Hiến pháp mới, trong thời gian tới pháp luật nước ta sẽ có những sửa đổi, đặc biệt là những văn bản liên quan quyền và nghĩa vụ công dân. Đến một giai đoạn không xa thì quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam trong và ngoài nước sẽ trên một mặt bằng, bình đẳng với nhau. Để làm được việc này, điều đầu tiên là kiều bào phải đăng ký giữ quốc tịch.
Còn hiện nay trong số 4,5 triệu kiều bào, chúng tôi không biết bao nhiêu người còn giữ quốc tịch Việt Nam nên sẽ rất khó khi thực thi luật.
Đức Hiệp thực hiện