Dự thảo nghị định "Quy định tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước" vừa được Bộ Nội vụ công bố để lấy ý kiến đóng góp. Theo dự thảo, 3 tiêu chuẩn chung cho các chức danh quản lý gồm: thứ nhất, có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Hai là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng; có ý thức tổ chức kỷ luật; trung thực, không cơ hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Ba là có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Tất cả các chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước phải đảm bảo “tốt nghiệp đại học trở lên”. Người giữ chức danh thứ trưởng, tổng cục trưởng, vụ trưởng và giám đốc sở phải đang giữ ngạch chuyên viên cao cấp hoặc các chức danh tương đương trở lên và đã tốt nghiệp các khóa đào tạo, bồi dưỡng chương trình quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp. Riêng với thứ trưởng, tổng cục trưởng, vụ trưởng thì phải tốt nghiệp các khóa đào tạo, bồi dưỡng chương trình lý luận chính trị cao cấp.
Về trình độ ngoại ngữ, thứ trưởng phải sử dụng ít nhất một ngoại ngữ thông dụng như Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc trình độ cao cấp bậc 6; trình độ cấp bậc 5 trở lên đối với tổng cục trưởng, hoặc sử dụng được tiếng Lào, Campuchia hoặc tiếng dân tộc thiểu số; trình độ trung cấp bậc 4 trở lên đối với vụ trưởng cấp bộ và trình độ trung cấp bậc 3 trở lên đối với giám đốc sở, hoặc một số ngành, lĩnh vực, tỉnh có thể thay ngoại ngữ bằng tiếng Lào, Campuchia hoặc tiếng dân tộc thiểu số.
Dự thảo Nghị định lần này không quy định về tuổi bổ nhiệm lần đầu với các chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, trong khi các quyết định lần trước đều thống nhất quy định tuổi bổ nhiệm lần đầu không quá 55 tuổi với nam và 50 tuổi với nữ.
“Lòng yêu nước thì không cần phải quy định”
Nhận xét về dự thảo này, chiều nay, đại biểu Trần Khắc Tâm (tỉnh Sóc Trăng) cho hay, Bác Hồ từng đúc kết "nhân dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước", đó là truyền thống quý báu của dân tộc. Sự đúc kết ấy mang tính chân lý nên quy định làm cán bộ phải có tiêu chuẩn này là thừa. "Quy định thế là có cái gì đó như là tầm thường hóa lòng yêu nước vậy", ông nói.
Ông cho rằng tinh thần yêu nước là một thứ tình cảm thiêng liêng và tự nhiên của mỗi người. Cán bộ cũng từ dân mà ra, không thể nói cán bộ thì phải yêu nước sâu sắc còn người dân thì không. "Lòng yêu nước thì không cần phải quy định", ông nói.
Theo ông, tiêu chí cán bộ được cụ thể hóa bằng luật pháp thì phải rõ ràng, định lượng được chứ không thể mang tính định tính. Có như vậy mới đối chiếu, kiểm soát và đánh giá cán bộ. “Trong trường hợp này tôi nghĩ chỉ quy định trung thành với tổ quốc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là đủ”, đại biểu Tâm bày tỏ.
Cùng chung quan điểm, đại biểu Trần Minh Diệu (ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng) thắc mắc: “Thế nào là yêu nước sâu sắc và thế nào là yêu nước bình thường? Quy định của luật pháp thì phải tường minh, rõ ràng chứ không nên chung chung để lý giải thế nào cũng được”.
Theo đại biểu này, trong tiêu chuẩn thứ ba là “có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước" và quy định tại tiêu chuẩn đầu tiên “phấn đấu thực hiện có kết quả đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước” cũng chính là những hành động thể hiện tinh thần yêu nước rõ ràng nhất. Do vậy không cần thêm quy định “phải có tinh thần yêu nước sâu sắc”.
Hương Thu - Trung Đức