Tiếp xúc với cử tri quận Tân Bình ngày 17/10, bà Võ Thị Dung, Chủ tịch MTTQ TP HCM - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cho biết, phản đối của người dân về việc xây sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất đã được Chính phủ cũng như Bộ Quốc phòng, Giao thông Vận tải… trả lời, song các cử tri quận Tân Bình vẫn "chưa thỏa đáng" nên đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tiếp tục lắng nghe cử tri.
Là người đầu tiên nêu ý kiến, ông Lê Văn Sang bày tỏ bức xúc trước quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải khi cho rằng "sân bay Tân Sơn Nhất thiếu đất để mở rộng đường bay" nhưng thực tế "lại thừa đất để xây dựng sân golf cả trăm ha".
“Sao các ông quá dễ dãi, sẵn sàng thu hẹp sân bay để làm sân golf kiếm lời. Trên thế giới chẳng nơi nào lại đưa sân golf vào trong sân bay như mình”, ông Sang nói và đề nghị phải phá dỡ toàn bộ sân golf, nhà hàng, khách sạn bên trong sân bay Tân Sơn Nhất.
Còn TSKH Nguyễn Đăng Diệp, cựu binh không quân cũng cho biết, số lượng sân golf tại Việt Nam hiện nay là quá nhiều. Dù thời gian qua Chính phủ đã hủy một số dự án nhưng vẫn còn phải rút xuống nữa nên không nhất thiết phải có sân golf trong sân bay.
Theo ông Diệp, sân golf chỉ nên xây dựng ở những khu vực xa dân cư vì để bảo vệ loại cỏ lông nhung phải sử dụng rất nhiều thuốc diệt cỏ, rất độc hại với nguồn nước của người dân. Bên cạnh đó, ông Diệp cũng nêu ra một vấn đề cho là nguy hiểm hoạt động bay rằng "trước giải phóng, đường Quang Trung (quận Gò Vấp) chỉ cho xây dựng nhà cao khoảng 6 m để đảm bảo an toàn. Còn ngày nay cho phép xây 4 block nhà gần đường băng cao 15-16 tầng là điều vô cùng nguy hiểm và không thể hiểu nổi", ông này nói.
Theo quy hoạch, khu sân golf và dịch vụ tại sân bay Tân Sơn Nhất được phê duyệt vào tháng 6/2011 với quy mô khoảng 157 ha, trong đó sân golf là hơn 111 ha. Ngoài trục đường giao thông chính, nơi đây còn có các công trình phụ trợ như: nhà câu lạc bộ, nhà tập golf, các trạm dừng chân, hồ nước, khu khách sạn 5 sao... nhằm phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi của khách.
Cũng trong buổi tiếp xúc, một vấn đề khác được các cử tri quận Tân Bình quan tâm là việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, Đồng Nai.
Theo cử tri Lê Văn Sang "đây là một sự lãng phí rất lớn" vì hiện có hơn 50 sân bay và chưa sử dụng hết công suất. “Nước mình còn nghèo lắm, bà con vùng sâu vùng xa cơm chưa đủ nó, áo ấm chưa đủ để mặc. Nhiều nơi chưa có được cây cầu nên trẻ con phải đu dây, lội sông đến trường. Vì thế không nên xây sân bay vào lúc này mà hãy dùng tiền để làm những việc khác cần thiết hơn”, vị cử tri nêu ý kiến.
Cùng quan điểm, ông Lê Trọng Sành, nguyên trưởng phòng Quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất cho rằng, hoàn toàn có thể mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất thêm khoảng 1.000 ha để kéo dài thêm đường băng, phục vụ cho cả mục đích dân sự và quân sự. Đồng thời có thể sử dụng thêm sân bay Biên Hòa, Đồng Nai cho mục đích dân sự.
"Chỉ cần chi 1 tỷ USD để sửa sang và xử lý dioxin tại sân bay Biên Hoà là có thể dùng được như từng làm ở sân bay Đà Nẵng. Khi đó sân bay Biên Hòa hoàn toàn có thể đạt công suất 15 triệu hành khách/năm”, ông Sành nói và cho biết lập luận của Bộ Giao thông Vận tải khi cho rằng xây mới sân bay Long Thành (7,8 tỷ USD) rẻ hơn nhiều so với việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất (9,1 tỷ USD) và Biên Hòa (7,5 tỷ USD) là "hết sức vô lý".
Bên cạnh đó, vị cựu Trưởng phòng Điều hành bay cũng đề nghị TP HCM nên tổ chức hội thảo và mời Bộ Giao thông Vận tải cũng như các nhà khoa học tham dự cùng với 20 cử tri quận Tân Bình - những người từng công tác trong Không quân - để cùng tranh luận về việc có nên xây sân bay Long Thành hay không.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết, cách tính tốc độ tăng trưởng ở sân bay Tân Sơn Nhất của Bộ Giao thông Vận tải "chưa thuyết phục" và đến năm 2020 sân bay này sẽ không rơi vào cảnh quá tải như Bộ dự báo. “Số liệu thống kế về sản lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất của ngành thống kê TP HCM cũng thấp hơn số liệu của Bộ Giao thông. Vì vậy, cần phải có một cơ quan thống kê độc lập và tính toán hệ số tăng trưởng thật chính xác phục vụ cho việc quy hoạch sân bay”, vị PGS đề nghị.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, bà Võ Thị Dung cho biết "rất tâm đắc" với những ý kiến của các cử tri về việc không nên để sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất. Bà cho rằng "đây là những ý kiến xác đáng và thông tin cần thiết để đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố chất vấn ở nghị trường".
Tuy nhiên, theo bà Dung, việc xây dựng sân golf trong sân bay thì cơ sở pháp lý đã đầy đủ và không vi phạm pháp luật. “Vấn đề còn lại ở đây là lo ngại của các cử tri khi sân golf hoạt động có gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân xung quanh hay không. Điều này sắp tới đoàn đại biểu sẽ chất vấn các Bộ, ngành”, bà Dung nói.
Đối với việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, vị Chủ tịch MTTQ TP HCM cho biết "không thuộc thẩm quyền của TP HCM" mà thuộc về Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương. Vì vậy, đề nghị tổ chức hội thảo về sân bay Long Thành phải do Trung ương tổ chức "chứ thành phố không có quyền".
Hữu Công