Mở màn phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Hoài Phương nêu thực trạng chèo kéo, đeo bám, chặt chém du khách trong và ngoài nước, chất lượng sản phẩm du lịch chưa đồng bộ, kém hấp dẫn khó thu hút khách trở lại lần hai, rồi yêu cầu Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đưa ra các giải pháp ngăn chặn.
Còn đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhận định, ngành du lịch thu hút đông du khách đến Việt Nam song chưa phát triển xứng với tiềm năng và thế mạnh. Mặc dù các nước như Thái Lan, Malaysia có rất ít di sản so với Việt Nam, song xếp hạng du lịch của Việt Nam đứng sau các nước này. Ông mong vị "tư lệnh" ngành cần chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh trình bày khá kỹ hiệu quả của ngành du lịch với mức đóng góp GDP năm 1995 hơn 3% và năm 2012 gần 6%, giải quyết việc làm cho 1,4 triệu người. Du lịch Việt Nam mới phát triển từ năm 1990 với 100.000 khách quốc tế và 1 triệu khách nội địa. Song năm 2012 đã có 6,8 triệu khách quốc tế, chi tiêu và thời gian lưu trú của khách tăng hơn.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận đâu đó còn nạn chặt chém, ăn xin, giá cả không công khai, tác động tới du khách và cho biết sẽ kiểm tra, giám sát các điểm du lịch có nguy cơ mất trật tự, chặt chém khách. Bên cạnh đó, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ ban hành nghị định tăng mức xử phạt hành chính với hành vi này.
Trước phần trả lời dài dòng và thiếu trọng tâm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh làm rõ tiềm năng du lịch của Việt Nam so với Thái Lan, Malaysia và khả năng ngang tầm các nước khu vực không.
Trả lời lần hai, Bộ trưởng giải thích, hiện Indonesia thu hút 7 triệu khách, Malaysia là 13 triệu khách quốc tế. Đến năm 2020, Việt Nam mới phấn đấu thu hút 10 triệu du khách, đạt doanh thu 18 - 20 tỷ USD. Để đạt mục tiêu cần tuyên tới người dân không chèo kéo khách, cần có sản phẩm du lịch đặc trưng...
"Tiềm năng du lịch rất lớn, song biến thành hiện thực thì phải phấn đấu nhiều, cần chung tay góp sức của người dân, địa phương", ông Hoàng Tuấn Anh bày tỏ.
Người đứng đầu ngành Du lịch cho biết, các nước Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Myamar... đã có cảnh sát du lịch. Việt Nam chưa có lực lượng này thì cần huy động cảnh sát trật tự hỗ trợ bảo vệ du khách, các vùng trọng điểm cần lắp camera và có đường dây nóng.
"Có tình trạng chặt chém, lừa gạt du lịch, song không phải phổ biến và đã được cấp bách xử lý. Du lịch Việt Nam vẫn có hình ảnh tốt với du khách", Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh.
Trả lời đại biểu Trương Thị Ánh về tiến trình tìm kiếm Đại sứ Du lịch và Quốc hoa, Quốc phục, Bộ trưởng cho biết, tháng 10 sẽ công bố Đại sứ Du lịch mới. Việc lựa chọn Quốc hoa, Quốc phục, Quốc tửu đã được lấy ý kiến nhân dân. Tuy nhiên, Hiến pháp không công nhận cấp thẩm quyền nào phê duyệt Quốc hoa nên Thủ tướng giao cho Bộ phối hợp các đài báo tuyên truyền, tôn vinh trong nhân dân.
Đại biểu chất vấn tại hội trường. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bức xúc trước nạn băng đĩa sex, văn hóa phẩm độc hại bày bán công khai, đại biểu Phạm Thị Hải chất vấn Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh về biện pháp xử lý.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua, các sở văn hóa đã tịch thu hàng chục nghìn băng đĩa lậu. Một số băng đĩa của trung tâm ASIA không được phát hành, hay việc một nghệ sĩ tự sáng tác và phát hành cũng bị Sở văn hóa Hà Nội xử phạt. Mới nhất là cuộc thi hoa hậu biển Nha Trang cũng bị rút giấy phép, phim Bụi đời Chợ Lớn đưa hình ảnh bạo lực cũng bị cấm chiếu.
"Khi cấp phép biểu diễn, chúng tôi phải xem hồ sơ và duyệt chương trình, hậu kiểm, những buổi diễn thấy thu hút khán giả, song không đảm bảo trật tự cũng không được tổ chức. Chúng tôi cũng tăng mức xử phạt với nghệ sĩ hát nhái, ăn mặc phản cảm bị đình chỉ biểu diễn 3 - 6 tháng", Bộ trưởng khẳng định.
Đề cập về công tác lễ hội, đại biểu Phạm Thị Trung nhận xét, các lễ hội tràn lan với các kịch bản không nổi bật, phần lễ và phần hội biến tướng, quản lý nhà nước khi quá sâu, khi lại buông lỏng. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng cho rằng, mỗi năm có 9.000 lễ hội, song nhiều lễ hội thấm đẫm màu sắc mê tín dị đoan, thương mại hóa, gây phiền toái cho người dân, chưa kể bùng phát tệ nạn xã hội. Ông đặt vấn đề trách nhiệm của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thông tin, lễ hội dân gian chiếm 95% tổng số lễ hội, Bộ đang dự thảo đề án quy hoạch lại, giảm tần suất festival ngành nghề, những ngày văn hóa thể thao du lịch. Bộ cùng các tỉnh cần tăng cường kiểm tra di tích an ninh, an toàn, lễ hội lớn phải có phương án đảm bảo an ninh. Tuy nhiên, trách nhiệm chính quản lý lễ hội thuộc về các tỉnh. Ông cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội ở các địa phương giám sát các hoạt động này.
Hòn đá lạ được đặt tại đền Hùng. Ảnh: Kiều Trinh. |
Trả lời câu hỏi về đại biểu Nguyễn Thanh Thảo về việc hòn đá lạ ở đền Hùng có là mê tín dị đoan không, Bộ trưởng Văn hóa cho biết, sau khi báo chí phản ảnh, đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra và thấy hòn đá do cá nhân cung tiến, trên có nhiều chữ viết lạ. Đây là hành vi vi phạm luật di sản, Bộ đã có công văn yêu cầu đưa hòn đá ra khỏi đền Hùng và việc này đã được thực hiện.
"Theo quy định, đảm bảo nguyên trạng di tích gốc. Đây là di tích quốc gia đặc biệt nên mọi tu bổ phải có ý kiến của Bộ. Nếu địa phương báo cáo thì chúng tôi có cả hội đồng tư vấn xem xét. Đây là bài học kinh nghiệm cho công tác quản lý di tích, chúng tôi đề nghị xã hội hóa nhưng không được hiện đại hóa di tích", Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nói.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Đoàn Loan