Chiều 29/10, thảo luận tổ về công tác phòng chống vi phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng dẫn lại vụ chôn hóa chất độc hại của Công ty Nicotex (Thanh Hóa) và cho rằng, không thể nói chính quyền, công an không biết bởi nhiều lần thanh kiểm tra nhưng kết quả vẫn đảm bảo an toàn. Còn người dân đã đấu tranh nhiều năm, phản ánh lên nhiều cấp nhưng đều không được giải quyết.
"Đây là một vụ việc điển hình, nhiều nơi khác đang diễn ra những sự việc tương tự. Những vi phạm trong khai thác khoáng sản, vàng... rõ ràng có sự bao che, tiếp tay của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý. Hoặc họ thờ ơ, sợ va chạm nên không phát hiện hoặc nếu có thì cũng không xử lý nghiêm", đại biểu Hồng nói.
Theo vị tiến sĩ luật, tất cả đều dẫn đến hệ lụy niềm tin của nhân dân vào chính quyền địa phương, cơ quan chức năng ngày càng suy giảm. Từ đó, dẫn đến việc người dân tự xử trong một số vụ vi phạm pháp luật mà không để chính quyền, công an xử lý.
"Chính người dân lại là người vi phạm pháp luật. Cứ có sự việc gì liên quan đến cơ quan nhà nước thì người dân lại tụ tập đông người, phá hoại tài sản, thậm chí bắt người thi hành công vụ. Tính chất của các sự việc ngày càng nghiêm trọng, có xu hướng lây lan từ tỉnh nọ sang tỉnh kia", ông Hồng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Hùng cho biết, báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong lĩnh vực trật tự vi phạm xã hội nổi lên hiện tượng tự xử của người dân.
"Mất một con chó, người dân tự xử hay có sự vụ gì là tụ tập đông người, đưa quan tài đi diễu phố để phản ứng lại. Chúng ta đã cố gắng giải quyết những sự việc như thế nhưng chưa nhiều, chưa tạo được niềm tin cho người dân về sự chuyển biến trong đấu tranh phòng chống tội phạm", ông Hùng nói.
Cũng đề cập tới xu hướng "tự xử" của người dân, trong buổi thảo luận trước đó, đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho rằng, bức xúc trước sai phạm của cơ quan tổ chức, người thi hành công vụ, thái độ thiếu trách nhiệm, tắc trách của một số người, khi sự việc chưa kịp được xử lý thì người dân thường có xu hướng tự xử.
"Ở Hoà Bình, dân trói công an và đưa clip lên mạng xã hội. Đây là hình ảnh rất đau xót, rất phản cảm. Ở Nghệ An, bắt được trộm chó, dân không đợi chính quyền đến xử lý mà họ tự xử bằng cách đánh chết luôn. Khi công an vào cuộc, họ trở thành tội phạm và cả 300 người cùng ký đơn nhận tội", ông Sơn dẫn chứng.
Vị Phó đoàn đại biểu Quốc hội Nam Định nhìn nhận đó thể hiện sự yếu kém của chính quyền địa phương, sự suy giảm lòng tin của người dân với chính quyền, dù những năm gần đây lực lượng an ninh ngày càng tăng cường.
Các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại trước thực trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa, loại tội phạm ngày càng đa dạng, mức độ nguy hiểm, manh động, hung hãn ngày càng tăng. Tình trạng vi phạm trật tự an toàn xã hội ngày càng tăng, tội phạm tấn công cả nhà giám đốc công an tỉnh, một việc chưa bao giờ xảy ra.
Đa số ý kiến đồng tình cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là kinh tế khó khăn, nguồn lực đầu tư cho các lĩnh vực, chương trình phòng chống tội phạm giảm; tác động tiêu cực từ các sản phẩm văn hóa độc hại; công tác cai nghiện chưa đạt yêu cầu; chưa quy kết trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi tình hình tội phạm diễn biến phức tạp hay xảy ra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng..
"Ở một số tỉnh, tình hình tội phạm diễn ra nghiêm trọng nhưng tôi chưa thấy một giám đốc công an tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh hay viện trưởng viện kiểm sát nào bị quy trách nhiệm. Đó là biểu hiện của việc sa sút ý chí trong trong công tác đấu tranh với tội phạm”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ.
Đề cập tới việc người dân không mặn mà với việc tố giác tội phạm, đại biểu Hoàng Việt Phương cho rằng, niềm tin của người dân đối với chính quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật suy giảm, nên phong trào toàn dân tố giác tội phạm không phát huy được.
"Bây giờ hình như chỉ hô hào hình thức, vì dân không tin, không góp phần với chính quyền trong phòng chống tội phạm. Họ không tố giác nên một số vụ họ tự xử, không cần nhờ đến cơ quan pháp luật, chính quyền. Đây là biểu hiện chính quyền cần xem xét lại”, ông Phương nói.
Nam Phương - Phạm Hương