Thông tin do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đưa ra tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh dân số diễn ra vào ngày 24/9 tại Hà Nội.
Theo thứ trưởng Tiến, tốc độ tăng tuy đã giảm nhiều (mỗi năm nước ta tăng một triệu người) nhưng quy mô dân số khá lớn nên mật độ lên đến 267 người/km2, thuộc nhóm các nước có mật độ cao nhất thế giới.
Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn là vấn đề nóng. Hưng Yên có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước là 130,7 trẻ trai trên 100 trẻ gái. Mong muốn phải có "con trai để thờ cúng tổ tiên, nối dõi, chăm sóc cha mẹ khi già yếu” vẫn còn khá phổ biến ở các gia đình.
Theo giáo sư Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và các vấn đề xã hội, tỷ lệ phụ nữ mang thai biết trước giới tính thai nhi đến năm 2012 đã tăng lên hơn 81%. Pháp lệnh dân số cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhưng tỷ số giới tính khi sinh vẫn tăng đều đặn. Như vậy, việc vi phạm các quy định xung quanh vấn đề giới tính khi sinh là khá phổ biến.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang ở thời kỳ dân số vàng nhưng chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng nguồn dân số còn hạn chế. Tỷ lệ biết đọc, biết viết cao nhưng trình độ bậc trung, bậc cao còn thấp. Chưa đến 15% dân số (từ 15 tuổi trở lên) được đào tạo chuyên môn kỹ thuật.
Cũng vì thế, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo dự án Luật, trong đó, một số nội dung cần được điều chỉnh như: việc hiến, tặng, mua bán tinh trùng, trứng, phôi; mang thai hộ, mang thai thuê; tư vấn dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh; lựa chọn giới tính; "lựa chọn cái chết êm ái"....
Theo giáo sư Nguyễn Đình Cử, dự án Luật Dân số cần điều chỉnh, theo hướng quy định chặt chẽ hơn về nạo phá thai, điều kiện đối với người được phá thai. Chẳng hạn, có ký cam kết tự nguyện phá thai với sự đồng ý của chồng (nếu đã có chồng) hoặc sự đồng ý của bố mẹ hoặc người giám hộ (nếu dưới 18 tuổi); có chứng minh nhân dân để xác định họ tên và nơi ở; có xác nhận cận lâm sàng về chẩn đoán có thai mới được làm thủ thuật phá thai. Đặc biệt, phải bổ sung điều kiện về tuổi thai, lý do phá thai…
Nam Phương