Ngày 28/2, ông Nguyễn Phong Vân - Giám đốc Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ cho biết, đàn sếu đầu đỏ bắt đầu quay lại nơi này kiếm ăn, thường vào lúc sáng sớm và chiều. Sau đó, chúng không trú ngụ lại mà bay về bãi cư trú ở Campuchia, cách đó khoảng 20 km đường chim bay.
"Nhân viên khu bảo tồn đếm được lúc đông nhất tới 21 con, ít nhất là 6 con; đều trưởng thành", ông Vân nói và cho biết đây là tín hiệu đáng mừng vì cùng thời điểm này năm ngoái, sếu chưa về khu bảo tồn này.
"Hàng năm, sếu về khu vực này từ cuối tháng 2 đến tháng 4. Năm nay thời tiết bất thường, nước còn ngập nhiều diện tích bãi ăn nhưng sếu đã về. Sắp tới nước rút, có thể chúng về nhiều hơn", ông Vân nhận định.
Sếu đầu đỏ còn có tên gọi là sếu cổ trụi hay sếu lớn Phương Đông (tên khoa học: Grus antigone). Loài này nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới (Sách đỏ IUCN), nên được bảo vệ nghiêm ngặt.
Sếu đầu đỏ là loài chim có màu xám bạc ánh thép; khi trưởng thành thì đầu, cổ trụi lông và có một màu đỏ rất nổi bật, đồng thời vằn trên cánh và đuôi một màu xám. Mỏ và trước đỉnh đầu của sếu có màu xanh sừng, chân đỏ; chim non có bộ lông màu sẫm hơn.
Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ (Khu bảo tồn đồng cỏ bàng Phú Mỹ) thành lập năm 2016, có diện tích vùng lõi khoảng 940 ha, vùng đệm hơn 1.700 ha. Đây là khu bảo tồn có hệ sinh thái đồng cỏ bàng duy nhất còn sót lại ở miền Tây, là địa điểm di trú theo mùa của sếu đầu đỏ.
Cửu Long