Nhiều tháng nay, gia đình ông Nguyễn Văn Sầu, 80 tuổi, ở xã Kim Thạch (Vị Xuyên, Hà Giang) chưa có một bữa cơm ngon, tất cả để tằn tiện trả món nợ 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Đây là khoản tiền lãi của hơn 30 triệu đồng gia đình ông đi vay làm nhà.
Nhà ông nằm trong danh sách hộ có công với cách mạng được ưu tiên hỗ trợ 40 triệu đồng nếu phá nhà đi xây mới. Theo chỉ đạo của huyện, người dân phải chủ động kinh phí và hoàn thành việc xây nhà trong năm 2014 mới nhận được tiền.
Gia cảnh khó khăn, ngày thường vẫn phải chạy ăn từng bữa, 40 triệu đồng đối với gia đình một thương binh nặng như ông là cả gia tài. Ông Sầu bàn với con trai bán hết gia súc, nhờ vả người thân, hàng xóm và vay lãi 30 triệu đồng để dựng một căn nhà với tổng trị giá gần 70 triệu đồng.
Nhà đã hoàn thành, nhưng nhiều lần lên xã hỏi tiền hỗ trợ, ông Sầu đều nhận được câu trả lời chưa có. “Nếu cán bộ không báo phải xây nhà xong trong năm 2014 tôi đã chẳng dại gì đi vay lãi. Gần một năm nay, ăn chẳng dám ăn, ốm không dám mua thuốc, có đồng nào phải dành dụm cuối tháng còn trả lãi", ông Sầu nói.
Chung cảnh ngộ, nhà ông Nguyễn Văn Khâm, gần 80 tuổi ở thôn Bản Khò, xã Kim Thạch, đã xuống cấp từ lâu, không có tiền sửa nên chỉ che đậy tạm bợ. Khi biết được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu gia đình ông mới dám đi vay sửa nhà.
“Tôi cứ nghĩ sau khi sửa nhà sẽ nhận được tiền như thông báo nên mới liều đi vay. Ngoài 20 triệu vay lãi, tôi vẫn nợ hơn chục triệu tiền vật tư và công thợ, chủ thầu suốt ngày vào đòi khiến cuộc sống của gia đình rất mệt mỏi. Ở trong nhà kiên cố mà đau đầu như này thà ở nhà dột còn hơn”, ông Khâm bức xúc nói.
Không chỉ gia đình ông Sầu, ông Khâm, gần 100 hộ có công ở huyện Vị Xuyên cũng đang “dở khóc, dở cười” khi miếng ăn hàng ngày đã không đủ song vẫn phải ôm một đống nợ do trót vay lãi suất cao làm nhà.
Ông Hoàng Trung Tá, Chủ tịch UBND xã Kim Thạch, cho biết không riêng ở Kim Thạch mà chính quyền nhiều xã cũng đang bị nghi oan vì người dân cho rằng xã nhận tiền của nhà nước mà không chi trả. Tết năm 2015, nhiều cụ ôm cả huân, huy chương lên UBND xã để kiện vì hết năm các chủ nợ bắt trả tiền.
"Chúng tôi vừa giải thích, vừa phải đứng ra khất nợ cho người dân, nhưng về lâu dài sẽ rất khó vì chủ thầu cần có tiền để trả công cho thợ. Xã Kim Thạch có 11 hộ thuộc diện được hưởng hỗ trợ xây sửa nhà, tất cả đều phải vay lãi và hiện đời sống của họ rất khó khăn", ông Tá nói.
Theo lãnh đạo xã, nguyên nhân khiến nhiều gia đình phải làm nhà khẩn cấp là ngày 25/8/2014, UBND huyện Vị Xuyên đã ra một công văn đôn đốc triển khai xây nhà cho người có công với cách mạng gửi đi các xã. Nội dung công văn yêu cầu ban chỉ đạo các xã phải thống kê gia đình đã xây, sửa xong nhà, gửi biên bản xác nhận đã hoàn thành công trình về UBND huyện trước ngày 26/8/2014. Những gia đình nào chưa thi công thì xã phải đôn đốc để công trình hoàn thành trước năm 2014.
Lý giải về việc này, ông Hoàng Thanh Tịnh, Phó chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết, trên cơ sở quyết định số 22/2013 của Thủ tướng về việc hỗ trợ gia đình có công với cách mạng xây, sửa nhà, tỉnh Hà Giang đã rà soát và xây dựng đề án. "Đề án phê duyệt của tỉnh chỉ thấy ghi thực hiện trong năm 2013 -2014, chúng tôi không biết sang năm 2015 có được triển khai tiếp không. Vì vậy UBND huyện Vị Xuyên mới chỉ đạo việc hoàn thành xây, sửa nhà phải kết thúc trong năm 2014", ông Tịnh nói.
Trong khi đó, Sở Tài chính Hà Giang cho biết đến nay tỉnh mới nhận được 3,6 tỷ đồng từ trung ương, chiếm 11,6% nhu cầu thực tế. Sở dĩ có sự chậm trễ này, theo bà Phan Điểm Bích, Trưởng phòng Quản lý ngân sách, là số lượng gia đình người có công cần hỗ trợ xây, sửa nhà trên cả nước phát sinh quá nhiều nên Trung ương chưa cân đối được nguồn kinh phí.
Đến nay toàn tỉnh mới có 175 trên tổng số 999 gia đình người có công nhận được tiền hỗ trợ với kinh phí là 5,6 tỷ đồng. Sở Tài chính sẽ tiếp tục đề nghị Trung ương tiếp tục cấp kinh phí, nhưng chưa biết đến bao giờ mới nhận được tiền để chi trả cho các hộ dân.
Nam Anh