11h30 ngày 20/3, tàu kéo sà lan từ hạ nguồn lên thượng nguồn sông Đồng Nai khi đi qua cầu Ghềnh đã đâm gãy một móng cầu, 2 nhịp sập xuống nước. Nhiều người chạy xe máy trên cầu bị kéo tuột xuống mé nước.
"Chúng tôi nghe tiếng ầm rất lớn từ phía sông, quay ra thì thấy một phần cầu đã đổ sập xuống nước. Có 2 người lóp ngóp dưới đó nhưng được cứu luôn rồi", anh Lượng sống gần hiện trường cho biết.
12h15, ít nhất 5 canô của CSGT đường thuỷ và cứu hộ đang quần thảo xung quanh khu vực tìm người gặp nạn. Nhiều tàu thuyền của người dân cũng được huy động.
Bà Phan Thị Mỹ Thanh - Phó bí thư tỉnh ủy có mặt chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn và khắc phục sự cố. Nhiều người bị cho là đang mất tích. Tàu kéo bị chìm, sà lan chở cát bị lật ngửa.
"Tôi từ xã Hiệp hòa qua phường Bửu Hòa. Gần đi hết cầu thì tôi nghe tiếng động lớn phía sau, người xe chao đảo rồi rơi tuột xuống nước. Cũng may tôi níu lại được nên không bị trôi. Lúc đó có 3 xe máy chạy sau tôi, trước mặt không có ai", anh Hai - người thoát nạn, kể.
Hiện, hai bờ đầu cầu có hàng chục người bàn tán xôn xao, nghi có nạn nhân rơi xuống sông. Có ít nhất 50 người thuộc lực lượng địa phương phong toả 2 đầu cầu Ghềnh trong khi cứu hộ vẫn quần thảo khắp khu vực sông.
13h, một cảnh sát cứu hộ cho biết, thông tin ban đầu ghi nhận có 4 xe máy bị rơi xuống nước. Trong các nạn nhân có một người tự bám vào thanh sắt cầu leo lên. Hiện chưa xác định 2 nạn nhân được cứu là người của sà lan hay người qua cầu, cũng như có hay không nạn nhân mất tích dưới sông.
Cầu Ghềnh sập khiến tuyến đường sắt qua đây bị gián đoạn. Ông Đoàn Duy Hoạch, Tổng giám đốc Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết, đường sắt Bắc Nam đang bị tê liệt từ Dĩ An (Bình Dương) đến TP HCM. Tổng công ty đang tìm phương án để chuyển hành khách từ Dĩ An đi về Sài Gòn.
Theo Ban an toàn giao thông tỉnh Đồng Nai, mố cầu Ghềnh đã sập, việc sửa chữa phải mất rất nhiều thời gian. Nhiều tàu từ Hà Nội vào phải ở lại ga Biên Hoà. Trước tình hình này, cơ quan chức năng đã chọn phương án: ga Biên Hoà sẽ là ga cuối vận chuyển hành khách Bắc - Nam thay ga Sài Gòn, ga Hố Nai (huyện Trảng Bom) sẽ hỗ trợ ga Biên Hòa.
14h, các canô cứu hộ vẫn xuôi ngược tại khúc sông cầu Ghềnh sập. Một lãnh đạo Cảnh sát Cứu hộ - PCCC Công an tỉnh Đồng Nai nói: "Qua lời khai của các nhân chứng, xác định không có người đi trên cầu rớt xuống sông mất tích. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục xác minh, làm rõ".
3 người đi xe máy trên cầu lúc bị tông sập đang cho lời khai, hỗ trợ cảnh sát điều tra.
15h, Cảnh sát Cứu hộ - PCCC Công an tỉnh Đồng Nai đã vớt được 3 xe máy. Đơn vị này cũng lập tiểu ban cứu hộ. Động thái này được đưa ra sau khi nhà chức trách xác định không loại trừ khả năng trong sà lan còn người chưa kịp thoát. Chiếc sà lan to lớn, chở đầy cát bị lật, cũng có khả năng gây tràn dầu ra sông.
"Chúng tôi vẫn ưu tiên tìm người. Tài công sà lan chưa xác định được nên không biết chính xác có bao nhiêu người trên đó lúc tai nạn xảy ra", một cán bộ điều tra cho biết.
15h35, lực lượng cứu hộ thuộc Cảnh sát PCCC TP HCM được chi viện đã đến hiện trường để hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân.
16h45, trong buổi họp báo, ông Đặng Mạnh Trung - Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, sà lan chở vật liệu xây được tàu kéo từ TP HCM lên Đồng Nai. Tới cầu Gềnh, sà lan đã tông vào mố cầu số 2, kéo hai nhịp bị gãy. Trong đó, nhịp số 2 rơi hẳn xuống sông Đồng Nai, còn nhịp số 3 vẫn còn một phần dính ở mố.
Theo ông Trung, lúc xảy ra, trên cầu có 3 người đi xe máy nhưng chưa rơi xuống sông. Còn hai tài công sà lan và tàu kéo bị rơi xuống nước nhưng được người dân cứu. Cả hai người này đang bỏ trốn.
"Bước đầu cơ quan chức năng sẽ phân luồng cho tàu bè qua nhánh khác của sông Đồng Nai. Còn các sự cố tràn dầu, điện, nước được khắc phục nhanh chóng sau tai nạn. Lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm bên trong tàu kéo xem có ai mắc kẹt hay không", ông Trung nói.
Đại tá Trần Tuấn Triệu, Phó giám đốc Cảnh sát PCCC Đồng Nai cho biết, chiều nay lực lượng sẽ tiếp tục tìm kiếm và phong tỏa hiện trường chờ ý kiến Bộ GTVT.
18h, chiếc sà lan gây sự cố trôi tự do một cách nguy hiểm, chỉ còn cách cầu Bửu Hòa khoảng 300 m. May mắn là hai chiếc tàu kéo của Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 3 đã kịp kéo ngược về phía thượng nguồn, neo lại.
Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án để điều tra.
* Xem thêm ảnh: Cầu Ghềnh bị đâm sập
Cầu Ghềnh thuộc thành phố Biên Hòa bắc qua sông Đồng Nai do Pháp xây dựng đã hơn 100 năm, dành đi chung cho cả đường bộ và đường sắt với 2 phần bên hông dành cho xe 2 bánh, ở giữa dành cho xe lửa và xe ôtô. Ngày 6/2/2011, đoàn tàu khách SE2 chạy hướng TP HCM - Hà Nội khi đến cầu Ghềnh đã đâm phải 6 ôtô làm 2 người chết, hàng chục người bị thương.
Sau tai nạn, Thủ tướng yêu cầu khẩn cấp xây cầu đường bộ Bửu Hòa phía hạ lưu cầu Ghềnh nhằm tách cầu chung giữa đường bộ và đường sắt. Tháng 4/2013, khi cầu đường bộ Bửu Hòa đi vào hoạt động, Bộ GTVT đã cấm tất cả ôtô hai chiều và xe 2 bánh theo chiều phường Bửu Hòa qua trung tâm TP Biên Hòa.
Từ đó cho đến nay, người dân vẫn được lưu thông bằng xe 2 bánh qua cầu Ghềnh và cầu Rạch Cát một chiều hướng trung tâm TP Biên Hòa qua phường Bửu Hòa theo kiến nghị của UBND tỉnh Đồng Nai.
Nhóm phóng viên