Không chỉ là "người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng" như cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đúc kết, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn bình dị, gần gũi trong lòng đồng chí, đồng đội, với cả những người chỉ một lần gặp ông.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo kể, ông biết Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ năm 1947, làm việc với nhau suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và những năm đầu chống Mỹ. “Chúng tôi học anh cách coi trọng nghiên cứu lý luận, khoa học, điều tra, khảo sát thực tế, tìm cách giải quyết những vấn đề khó khăn và những vấn đề mới nảy sinh. Anh có tác phong rất gần gũi, quý trọng anh em, dân chủ và lắng nghe ý kiến mọi người, sau đó rút ra nhiều điều hay”, ông Đạo nói và cho biết, đối với Tướng Thanh thì tha hồ tranh luận. Điều này khiến mọi người đều cảm thấy thoải mái, chân tình, tin cậy lẫn nhau.
Người đồng đội cũ cho rằng, đức tính nổi bật nhất của Đại tướng là tinh thần cách mạng tiến công: bất cứ đâu, nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm nào cũng không lùi bước.
Không chỉ quan tâm vấn đề chính trị, Đại tướng còn rất yêu văn học, nghệ thuật, dân ca, hò Huế. Ông Đạo nhiều lần nghe Đại tướng bình thơ, bình văn và say mê ca hát. Có lần đi công tác Quảng Bình, Tướng Thanh kéo anh em đi nghe đồng bào Huế, Thừa Thiên tản cư ra đó liên hoan văn nghệ. Đại tướng cũng hát hò đến tận khuya.
Thời còn là phóng viên báo Nhân dân, nhà báo Hữu Thọ nhớ rõ câu chuyện được cán bộ Trung ương, liên khu kể lại khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Đại tướng đi kiểm tra mặt trận trong bộ quần áo bình thường. Ngang qua con suối rộng, lổn nhổn đá và đầy rêu rất trơn, một cán bộ đi giày đinh chiến lợi phẩm sợ ướt giày nói: “Có cậu nào giúp cõng tôi qua suối”, thế là Đại tướng ghé vai cõng luôn. Nửa chừng, biết người cõng mình là cán bộ cấp cao ở Tổng cục chính trị, chiến sĩ sợ hãi xin xuống nhưng Đại tướng vẫn cõng qua suối và xem đó là việc bình thường giúp đỡ đồng đội.
Khi phụ trách nông nghiệp, Đại tướng nói với mọi người: “Các cậu cứ tranh cãi thoải mái, mình xuất thân nông dân, suốt đời trận mạc, nay được giao phụ trách nông nghiệp có nhiều điều chưa biết nên sẽ cùng tham gia tranh cãi, khi tranh luận có ý đúng, ý chưa đúng là chuyện bình thường, nếu cậu nào nói đúng một nửa thì cũng đã giữ 50% chân lý, rất oách rồi còn gì”. Trong không khí thoải mái đó, cấp dưới của Đại tướng nhiều lúc quá mạnh bạo, nói xong rồi mới thấy run.
Ngày đó, đoàn cố vấn về thủy lợi của Trung Quốc do bà Bộ trưởng Tiền Chính Anh dẫn đầu sang tư vấn phương châm “ba chính” trong công tác thủy lợi: giữ nước là chính; thủy lợi nhỏ là chính; nhân dân làm là chính. Ý kiến của các đoàn cố vấn Trung Quốc thường có sức nặng ghê gớm. Nghe phổ biến “ba chính”, một số cán bộ của ta băn khoăn nhưng chỉ xầm xì với nhau. Nhà báo Hữu Thọ đã mạnh dạn thưa với Đại tướng: “Ở ta có vùng hạn, vùng úng mà chống úng xem ra khó hơn, nhưng nhất loạt “giữ nước là chính” để chống hạn thì không bao quát tình hình; cần làm nhiều thủy lợi nhỏ nhưng phải làm thủy lợi vừa và lớn mới có nguồn để chủ động cấp nước và tiêu nước thì chống úng, chống hạn mới hiệu quả”. Động chạm tới ý kiến của cố vấn là chuyện to, buột miệng nói ra rồi nên ông chờ nghe phê phán. Thế nhưng Đại tướng chỉ ôn tồn: “Ta cứ khiêm tốn lắng nghe ý kiến cố vấn, khi làm thì điều chỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể của cả nước và từng vùng”.
Trong lần đi công tác miền Trung, đến Khe Nước Lạnh ở vùng nam Thanh, bắc Nghệ đã quá trưa, Đại tướng và mọi người ngồi dưới gốc cây gạo giở cơm nắm ra ăn rồi nghỉ ngơi. Nhà báo Hữu Thọ tranh thủ hỏi Đại tướng về câu ca dao nhớ nhất, người thư ký nghiêm mặt hàm ý "hãy để Đại tướng nghỉ ngơi". Nhưng Tướng Thanh suy nghĩ một lúc rồi nói: “Mình nhớ nhất câu Rồi mùa, toóc rã, rơm khô / Bạn về quê bạn biết xứ mô mà tìm, tức là gặt xong thì thóc của nhà chủ vào bồ, rơm len đống rạ (tooc) ngoài đồng đã mục, mình mất luôn tình bạn của những kẻ làm thuê theo mùa”.
“Cái máu đậm tình nghĩa bạn bè thuở hàn vi cứ đeo đẳng cái tính cách người lãnh đạo, nên ở anh luôn nặng lòng với những người nghèo khổ. Anh là người lãnh đạo thích đi cơ sở, thích nói chuyện tâm tình với dân và không bao giờ “sáng đi tối về”, không có chuyện thao thao diễn thuyết, chỉ thị suồng sã”, nhà báo Hữu Thọ nhận xét.
Chị Ba Liên, người từng phụ trách nấu ăn cho Đại tướng ở Bộ Chỉ huy miền thì không thể nào quên được những bài học đầu đời mà Đại tướng đã chỉ bảo. Nhỏ tuổi nhất nên lúc ấy chị thường gọi các thủ trưởng là chú, xưng cháu, nhưng Đại tướng thì lúc nào cũng xưng "đồng chí". Có lần dọn cơm cho Đại tướng, chị rót nước mắm hơi đầy. Sau bữa cơm, Đại tướng gọi lên, chỉ vào chén nước mắm nói: "Đồng chí thấy chưa, anh em tụi tôi ăn đâu phải tiền bạc của gia đình mà của nhân dân, của đồng bào đóng góp, đồng chí rót như vậy, ăn hết thì không sao nhưng thừa bỏ thì lãng phí. Nói như vậy để đồng chí rút kinh nghiệm. Anh em bộ đội giờ còn ăn nước muối, không có nước mắm mà ăn, đồng chí có đau lòng không?".
"Nghe chú Sáu nói vậy, tôi thấm thía vô cùng. Sau đó tôi chuẩn bị một chiếc lọ nhỏ rót nước mắm vào, đến bữa ăn mang cả lọ nước mắm ra cho chú, ăn bao nhiêu chú rự rót", chị kể và cho hay, chưa khi nào Đại tướng phàn nàn về việc ăn uống cực khổ, luôn dặn dò nấu cho chú ăn thì nhớ tiết kiệm, làm nhiều bỏ thì lãng phí.
Mỗi khi đi làm về, Đại tướng hay ghé vào nhà bếp xem tình hình ăn uống của anh em. Ông thường hỏi vui: "Thế nào, hôm nay nhà bếp có gì cải tiến, tươi tươi cho anh em không?", sau đó đi một vòng, mở hết các nồi ra xem. Ngày đó, sinh hoạt trong căn cứ khó khăn, đồ ăn tươi rất hiếm. Mọi người chăm lo sức khỏe của Đại tướng nên thường có cơm trắng và thức ăn tươi, nhưng đến bữa, Đại tướng lại chia phần cơm của mình cho cán bộ, chiến sĩ đang bệnh và đổi lấy cơm ngô và cá khô. Bác sĩ Thuận rất lo lắng vì như vậy Đại tướng sẽ không đảm bảo sức khỏe, nhưng nói thế nào ông cũng không nghe.
"Trong công việc chú Sáu rất nghiêm khắc, nên lúc đầu tụi tôi ai cũng sợ. Tiếp xúc rồi tôi thấy chú rất vui và quan tâm mọi người. Có khi lên rẫy, chú gọi mấy anh chị văn công đi cùng, vừa làm vừa hát hò rất vui. Chú kể chuyện cho tụi tôi nghe, căn dặn từ cách ăn ở, nói năng đến công việc hàng ngày. Với tôi, chú như một người cha", chị tâm sự.
Ông Hồng Nhựt, một chiến sĩ của Đại tướng lúc bấy giờ cũng kể lại, trong lần đi công tác tỉnh, xe của Đại tướng bị hỏng. Trong khi chờ sửa, ông đi bách bộ ngắm cảnh đồng lúa và cuộc sống của nông dân. Tình cờ, ông gặp một đôi vợ chồng mới cưới đang trên đường tiễn chồng về đơn vị. Người vợ mong muốn chồng ở lại thêm vài ngày nhưng người chiến sĩ buồn rầu nói: "Anh không thể trễ phép, kỷ luật quân sự thời chiến mà em". Đại tướng thấy thương quá nên đã lại gần và bảo: "Tôi sẽ tặng cậu một tuần phép nữa".
"Khi anh chiến sĩ đang ngơ ngác không tin thì Đại tướng đã lấy giấy có tiêu đề Tổng cục Chính trị ghi lệnh cho thêm 7 ngày phép. Lúc này anh lính mới luýnh quýnh dập chân chào Đại tướng và cảm ơn rối rít, cô vợ trẻ thì reo lên sung sướng. Chú Sáu Di đã cho tôi bài học về sự quan tâm đến người khác, động viên kịp thời những người lính trẻ có tính tổ chức, kỷ luật cao", ông Hồng Nhựt nói.
Bà Nguyễn Thanh Hà, con gái Đại tướng, luôn nhớ về ba với những kỷ niệm sâu sắc. Khi mới chuyển về sống ở ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế, một ngôi biệt thự rộng rãi có vườn hoa đẹp thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Bác bảo "nhà chú Thao đẹp, gọn gàng vậy là tốt. Nhưng nhiều vườn hoa quá, lãng phí, nên trồng rau tăng gia tốt hơn".
Thế là ngày hôm sau, cả nhà cùng nhau đào vườn hoa, cuốc đất trồng rau, cây ăn quả. Đại tướng còn tìm vài cây dừa miền Nam trồng ở trước và sau nhà. Đến năm 1967, khi chuẩn bị vào Nam lần thứ 2 thì cây dừa bói lứa quả đầu. Ông cho hái mấy quả, quả đầu tiên đưa lên cho mẹ, còn lại bổ lấy nước cho mấy cha con uống.
Uống xong, ông khà lên một tiếng sảng khoái rồi nói: "Chà, nước dừa ngon quá, uống một hớp thế này chết cũng sướng". Vài hôm sau thì ông mất thật. Cũng lạ, hai cây dừa trước cửa cũng chết vài tháng sau đó. Còn vườn dừa sau nhà năm nào cũng sai quả, cả nhà không ai ăn, được bao nhiêu bán đi, dành tiền làm giỗ ba và sau này là giỗ mẹ.
"Sau khi ba mất, hàng năm gia đình tôi đều được Bác Hồ gọi vào ăn cơm và hỏi thăm tình hình sức khỏe của bà, công việc của mẹ, việc học hành của trẻ con. Khi ra về, Bác cho mỗi đứa mấy cái kẹo, riêng em Vịnh thì phải hôn hai má Bác kêu thật to mới được về. Những kỷ niệm ấy, suốt đời chúng tôi không quên được", bà Hà tâm sự.
Hoàng Thùy