Sáng 22/1, đại biểu dự Đại hội Đảng XII thảo luận các văn kiện của Đại hội. Trong bài tham luận "Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc", Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) nhận định khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á tiếp tục phát triển năng động.
Cộng đồng ASEAN vừa hình thành với ba trụ cột chính sẽ tạo bước chuyển tích cực cả về chính trị an ninh, kinh tế xã hội và văn hoá trong khu vực. Nhưng đây cũng vẫn là nơi cạnh tranh quyết liệt về chiến lược giữa các nước lớn. Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố và các thách thức an ninh phi truyền thống diễn biến phức tạp trên thế giới với nhiều đặc điểm mới.
Trước xu thế hội nhập và mối quan hệ vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh lợi ích giữa các nước, Việt Nam sẽ phải đối mặt không ít khó khăn, thách thức nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng hành động "diễn biến hoà bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"...
Kế sách "giữ nước từ khi nước chưa nguy"
Đóng góp cho dự thảo văn kiện, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đề xuất một số nội dung. Quan trọng hàng đầu với quân đội là tiếp tục thực hiện chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Quân đội thường xuyên theo dõi, nắm chắc và giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo, vùng trời và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định.
"Đây cũng là quan điểm, phương châm của Đảng về bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa được nêu tại dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội", Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết.
Bên cạnh đó, nền quốc phòng toàn dân được xây dựng gắn với an ninh nhân dân vững mạnh. Đó là nền quốc phòng với tiềm lực, sức mạnh tổng hợp, được cấu thành trên cơ sở nguồn lực quốc gia và trong nhân dân, từ nhân dân, mang đậm tính chất tự vệ, không nhằm đe dọa bất cứ quốc gia nào. Trong đó trọng tâm là xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, chú trọng phòng thủ ở tỉnh (thành phố).
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cũng nhấn mạnh việc thực hiện đề án tổ chức quân đội cách mạng theo hướng "tinh, gọn, mạnh". Số lực lượng ưu tiên hiện đại hoá sẽ tiếp tục được mở rộng so với nhiệm kỳ Đại hội XI.
"Quân đội tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Quân đội, lãnh đạo toàn dân hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và dân giao phó", Đại tướng Ngô Xuân Lịch nói và cho hay, xây dựng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ngay từ thời bình là kế sách "lo giữ nước từ khi nước chưa nguy".
Xây dựng hệ thống phòng thủ ven biển
Nêu rõ tầm quan trọng của phát triển kinh tế biển với quốc phòng, an ninh, đại biểu Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho biết, trong tâm thức mỗi cán bộ, đảng viên và 1,3 triệu người dân Quảng Ngãi, biển là một phần máu thịt, quý giá và thiêng liêng.
"Nhiều thế kỷ trước, nhất là đầu thế kỷ 19, lớp lớp các thế hệ dân phu từ Lý Sơn đến Bình Châu vâng lệnh vua chúa nhà Nguyễn lên đường ra Hoàng Sa và Trường Sa để thực thi chủ quyền, dựng bia cắm mốc và khai thác sản vật. Nhiều ngôi mộ gió, các kỷ vật, sắc chỉ, chỉ dụ còn lưu lại trên đảo Lý Sơn như minh chứng hùng hồn về chủ quyền thiêng liêng trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", ông Chữ chia sẻ.
Dù tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, ngư dân Quảng Ngãi vẫn quyết tâm bám biển, khai thác các ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa. Từ tháng 5/2014 đến hết tháng 12/2015, có 135 tàu với 1.626 lượt ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, ngăn cản, đập phá, xua đuổi, cướp tài sản.
Để đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển, lực lượng bảo vệ biển, đảo được chú trọng xây dựng cả về tổ chức lẫn biên chế. Các công trình phòng thủ được đầu tư khá kiên cố. Công tác huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ được thực hiện thường xuyên.
Về mục tiêu đề ra trong Chiến lược biển Việt Nam đến 2020 thể hiện trong Dự thảo Văn kiện trình Đại hội XII, Quảng Ngãi kiến nghị Trung ương có chủ trương hiện đại hóa các cảng biển gắn với nâng cấp hệ thống giao thông, về lâu dài, cần xây dựng đường cao tốc dọc bờ biển để tạo động lực phát triển kinh tế kết hợp đảm bảo an ninh quốc phòng.
Quảng Ngãi cũng kiến nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ các tỉnh ven biển hiện đại hóa đội tàu công suất lớn giúp khai thác dài ngày; hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa; đưa khí vào bờ để đẩy mạnh tiến độ phát triển Khu kinh tế Dung Quất.
Với huyện đảo Lý Sơn, tỉnh đề nghị hỗ trợ xây dựng nơi đây thành đô thị hiện đại với thế mạnh vượt trội là kinh tế du lịch, thủy sản; đồng thời là một cứ điểm quân sự trọng yếu.
Hoàng Thùy