- Có quá nhiều hành vi, hình ảnh được đánh giá là phản cảm như tranh cướp lộc, chen lấn xô đẩy... đang diễn ra ở các ngôi chùa và lễ hội, Đại đức thấy thế nào?
- Việc người dân đến chùa, lễ hội đầu năm để xin lộc là nguyện vọng chính đáng, song hành động tranh cướp để thỏa mãn nguyện vọng đó là không phù hợp.
Lúc trước người Việt thường xin lộc bằng cách đến chùa bẻ cành cây, nhánh hoa mang về nhà. Nhằm bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, nhiều chùa tổ chức phát lộc để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng. Nhưng lúc này lại phát sinh cảnh xô đẩy, chen lấn để giành giật. Chuyện tương tự cũng diễn ra ở nhiều lễ hội.
Những hành vi trên xuất phát từ sự thiếu tôn trọng, ý thức trong việc nhận lộc. Họ đã sai lầm khi cho rằng "lộc là trên tất cả", có được nó là có hạnh phúc nên phải tìm mọi cách để chiếm.
Về phía ban tổ chức cũng không làm tốt công việc của mình. Khâu tổ chức yếu kém là một nguyên nhân dẫn đến hiện tượng tranh giành phản cảm ở nhiều đền, chùa, lễ hội hiện nay.
- Quan niệm của đại đức về cách cho và nhận lộc ngày đầu năm ra sao?
- Giáo lý đạo Phật không khuyến khích việc cho, nhận lộc này và bản thân Đức Phật cũng không ban lộc cho ai. Nhận lộc ở lễ hội, đền, chùa là nhu cầu tín ngưỡng của người dân.
Cái tâm không an lạc thì làm sao đời sống an lạc được. Do đó, nếu lộc có được từ sự "tranh – cướp" thì ý nghĩa của nó sẽ mất đi. Thay vào đó, nếu mình nhường lộc cho người khác mà bản thân cảm thấy an vui thì chính mình đã nhận được lộc lớn lao rồi.
Đó chính là phúc đức của hành động nhường nhịn. Vì nhường nhịn cho người chính là phước lộc lớn nhất của con người. Lộc phải là sự an vui từ người cho, người nhận và những người xung quanh mới lớn và bền lâu được.
Với quan điểm nhà Phật, hạnh phúc, an vui của mỗi người không phải muốn là có, cầu là được. Nếu cầu nguyện mà được thì trần gian chẳng ai khổ đau. Hạnh phúc, bình an còn tùy vào phước báu của mỗi người, mà phước báu được tạo nên bởi nỗ lực làm việc thiện của con người, từ một đến nhiều đời mà nên.
- Ở nhiều ngôi chùa, đình, miếu tiền lẻ được rải từ hòm công đức, chân tượng Phật, đến gốc cây, hốc đá... Dường như nhiều người chưa biết cách hành xử văn minh ở chốn tôn nghiêm?
- Muốn hạnh phúc bình an là mưu cầu chính đáng của con người. Do đó, đi cúng chùa, đình, đền... đầu năm để mong cầu bình an là phong tục tập quán của người Việt.
Tùy tín ngưỡng ở các vùng, miền, quốc gia khác nhau mà có các nghi lễ cầu nguyện hạnh phúc bình an khác nhau. Tuy nhiên, nhiều người không đi chùa quanh năm mà chỉ vào dịp Tết họ mới đi, nên không biết cúng bái đúng cách.
Tôi nghĩ nên thông cảm, bao dung trước những hành vi này, bởi xét cho cùng, họ không phải đến chùa để quậy, phá, cố tình làm xấu mỹ quan. Ban tổ chức nên nhiệt tình hướng dẫn họ, nhiều lần họ sẽ quen và có ý thức hơn.
Xin nhắc lại rằng, không có nghi lễ nào được coi là chuẩn mực mà tùy vào từng địa phương, tùy vào ban tổ chức của từng lễ hội. Điều quan trọng nhất là người đi chùa hay các lễ hội cần ý thức hành xử văn minh, lịch thiệp.
- Cảnh tượng hỗn loạn, chen lấn ở các lễ hội hay những nơi tín ngưỡng chủ yếu diễn ra ở các tỉnh phía Bắc, vì sao lại như vậy?
- Điều này dễ hiểu vì miền Bắc là cái nôi tín ngưỡng của người Việt, các nghi thức, tín ngưỡng trong các lễ hội khá đa dạng, phức tạp. Trong đó, nhiều nghi thức tín ngưỡng bị gián đoạn do biến cố lịch sử, chiến tranh và mới được khôi phục trở lại đây nên người tham gia còn chưa vào nề nếp.
Do đó, việc hướng dẫn tính văn minh, lịch sự của người dân tương đối kỹ càng khi tham gia các chương trình lễ hội, cúng bái là trách nhiệm rất lớn của ban tổ chức và các ngành hữu quan.
Những hình ảnh không đẹp ở nhiều lễ hội, đền, chùa một phần là ý thức kém của người dân. Nhưng nhà tổ chức cần hiểu mục đích, ý nghĩa của lễ hội để giải thích cho người dân hiểu. Cần cử người hướng dẫn tận tình người tham gia để thực hiện các nghi thức một cách lịch sự. Số lượng người có trách nhiệm trong ban tổ chức phải khá tương thích cho việc phục vụ lễ hội.
Tôi tin rằng, làm tốt khâu tổ chức ở nhiều lễ hội, từ năm này sang năm khác thì ý thức chung sẽ được cải thiện đáng kể. Ngay cả những người kém ý thức cũng nhìn vào đó để tự điều chỉnh mình.
- Nhiều người đến chùa, đền, phủ, miếu.... chỉ để cầu nguyện tiền tài, địa vị, giàu sang. Đại đức thấy thế nào?
- Tôi hoàn toàn tôn trọng những nguyện ước đó của người dân. Chỉ có thánh mới xem những mưu cầu tiền tài, danh vọng là giả tạm, còn với người bình thường đó là một trong những mục đích cuộc sống của họ.
Triết lý đạo Phật cũng hướng mọi người có được tiền tài, công danh, no ấm bằng công sức, nỗ lực của mình. Miễn sao đừng bất chấp tất cả, chà đạp người khác, làm điều trái đạo đức để có được danh phận tiền tài.
Thực ra, người dân đến những nơi tín ngưỡng để cầu nguyện thần thánh là họ muốn có một niềm tin. Niềm tin đó không sai, chỉ là cách sử dụng niềm tin ra sao.
Nếu một người kinh doanh có niềm tin là mình sẽ trở nên giàu có và họ cố gắng làm ăn chân chính để thực sự giàu có thì không có gì sai trái cả. Một người độc thân họ có quyền đặt niềm tin vào thần thánh để mong ước mình có được một gia đình lý tưởng... đó là việc hết sức bình thường, không có gì sai trái hay tội lỗi.
Nếu tin vào thần thánh để có thêm động lực trong cuộc sống là điều khuyến khích. Còn tin thần thánh để bê trễ công việc, vẽ vời những điều hoang tưởng thì trở thành mê tín dị đoan, đáng phê phán.
Mạnh Tùng