Tại phiên thảo luận tổ về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch phát triển 5 năm tiếp theo, các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến về các vấn đề nóng được cử tri quan tâm, trong đó nổi bật là vấn đề xâm nhập mặn, hạn hán ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Đại biểu Lê Thanh Hải cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán, ngập mặn đang là nguy cơ rất lớn ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân. Điều này đòi hỏi một cách cấp bách Việt Nam phải phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao với các giải pháp mạnh mẽ.
"Nói về lao động ta ưu thế hơn Nhật Bản, 70% người dân làm nông nghiệp, tài nguyên cũng hơn, vậy điều còn lại vấn đề kỹ thuật. Nếu nói về công nghiệp kỹ thuật cao thì khó, nhưng nông nghiệp kỹ thuật cao thì tôi nghĩ là không khó. Cây giống ta có thể làm được; bảo quản, chế biến sâu, chế biến tinh cũng không phải không làm được", ông Lê Thanh Hải nhận định.
Theo ông, trước hết Việt Nam phải phát huy tối đa đội ngũ khoa học trong nông nghiệp kỹ thuật cao, làm tốt được điều này thì sẽ giải quyết được nhiều khó khăn. "Chính sách là huy động nguồn lực, thu hút nhân tài. Trước hết là thu hút đội ngũ chuyên gia, anh em Việt kiều, coi đây là mũi nhọn đột phá để phát triển kinh tế", ông Hải góp ý.
"Giải pháp đặt ra như thế nào? Tôi cho rằng phải nghiên cứu đắp đê bao như vùng Bắc Bộ; hoặc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cây trồng từ trồng lúa sang nuôi thuỷ sản hoặc nghiên cứu các giống lúa chịu được mặn. Cứ chầm chậm kéo dài thế này, hô hoán chỉ là giải pháp tình thế", ông Đương nói.
Đại biểu Đỗ Văn Đương nhận xét, trước đây dự báo tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, nhưng nay còn phụ thuộc vào thiên tai nước ngoài. Các nước ở phía thượng nguồn xây đập, chặn và làm cạn kiệt nguồn nước phía dưới. Nước biển dâng do biến đổi khí hậu khiến đồng bằng sông Cửu Long bị ngập mặn. Như đồng bằng sông Cửu Long năm nay có thể mất một triệu tấn lúa, nếu không có dự báo chính xác và tầm nhìn dài hạn thì tới lúc nào đó có thể trắng tay.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị tại kỳ họp này, Chính phủ phải báo cáo tình hình ảnh hưởng thiên tai (khoảng 30 phút) cho Quốc hội nghe để quyết định chính sách hiện tại và trong thời gian tới.
"Xây hồ nước giải quyết được cái chung nhưng đi vào từng hộ dân nhưng cá thể từng hộ dân thì phải làm thế nào để có nước sạch sinh hoạt", bà Tâm nói.
Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM Huỳnh Thành Lập đồng tình với bà Tâm và cho biết, tại phiên thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội ngày 1/4, đoàn TP HCM sẽ kiến nghị Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải báo cáo nhanh tình trạng nước biển xâm nhập, hạn hán ở các tỉnh tây nam bộ và các tỉnh nam miền Trung, Tây Nguyên.
Hoàng Thuỳ