Trong buổi chiều 22/10, nhiều đại biểu đề nghị đưa tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội vào luật bởi "đại biểu có giỏi thì Quốc hội mới mạnh".
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, nói đến Quốc hội thì trước tiên phải nói đến tiêu chuẩn đại biểu. Luật Tổ chức Quốc hội cần có tiêu chuẩn đại biểu chung và tiêu chuẩn cho đại biểu chuyên trách. "Theo quy định của Ban tổ chức trung ương, đại biểu chuyên trách nếu là công an, quân đội thì phải mang hàm thiếu tướng, dân sự phải là phó chủ tịch ủy ban, phó chủ tịch hội đồng, thường vụ tỉnh ủy, bí thư; cấp trung ương thì là vụ trưởng trở lên. Nhưng do nhiều nơi không chấp hành quy định nên giới thiệu người không tương xứng", ông Thuyền nói.
Cho rằng tiêu chuẩn tuyển chọn đại biểu Quốc hội trong dự luật còn sơ sài, giống tiêu chuẩn tuyển chọn công chức, đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị bổ sung điều kiện đại biểu phải trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân, để mỗi khi phát biểu hay bấm nút quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước thì đứng trên lập trường, lợi ích quốc gia, dân tộc, nhân dân.
"Dự thảo nói đại biểu Quốc hội phải có trình độ năng lực nhưng thực tế đại biểu có rất nhiều thành phần với trình độ khác nhau. Để tránh trường hợp phát biểu ý kiến của người khác, lấy bài của người khác đọc trên nghị trường, hoặc phát biểu một chiều, không có tính phản biện, tôi đề nghị ghi rõ, đại biểu phải có chính kiến, độc lập trong suy nghĩ và hành động. Đại biểu phải có năng lực làm đại diện cho ý chí, nguyện vọng người dân", ông Đương đề xuất.
Theo ông Đương, đại biểu Quốc hội phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cử tri, trước Quốc hội về hành vi, lời nói của mình; phải trải qua thực tế, tinh thông nghiệp vụ về lĩnh vực sắp tới được giao nhiệm vụ chuyên trách. Ví dụ trong lĩnh vực tư pháp thì khi đọc hồ sơ đại biểu phải biết được đâu là oan sai, đâu là ngụy tạo. Nếu không có trình độ thì chất lượng thẩm tra, giám sát rất hạn chế. Nếu đại biểu chuyên trách không có kinh nghiệm thực tiễn thì thường đến khi làm luật sẽ lấy luật hiện hành để soi chiếu, "tức là lấy lá vàng của mùa thu trước để chắn nẻo xuân sang, kìm hãm sự phát triển".
Ông Đương đề nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách phải là chuyên viên cao cấp, có 15 năm kinh nghiệm công việc dự kiến được phân công, có khả năng đề xuất chính sách pháp luật, có khả năng giám sát, phản biện, tư duy độc lập. Bên cạnh đó, đại biểu chuyên trách mỗi kỳ họp phải phát biểu trước hội trường một lần, vì nếu chỉ ngồi nghe thì không biết chính kiến, có dám làm, dám chịu trách nhiệm hay không. "Cần cụ thể hóa như thế để tới đây bầu cử Quốc hội, người dân nhìn vào dễ thấy tiêu chuẩn", đại biểu Đương nói.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn nhấn mạnh thêm, Quốc hội ngày càng đổi mới, trách nhiệm ngày càng nặng nề và yêu cầu của nhân dân ngày càng cao. Vì vậy, đại biểu Quốc hội không chỉ đại diện cho nhân dân mà còn phải có năng lực để tham gia vào các hoạt động của Quốc hội như lập pháp, góp ý dự thảo luật sửa đổi.
Ngày mai, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người... Đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Hoàng Thùy