Thảo luận dự án Luật du lịch ngày 8/11, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết đề xuất thành lập lực lượng cảnh sát du lịch, đảm trách nhiệm vụ hỗ trợ, bảo vệ du khách.
Nguyên Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho rằng, dù dự thảo luật quy định UBND cấp tỉnh có quyền quyết định thành lập lực lượng chuyên trách hỗ trợ, bảo vệ du khách, tuy nhiên nếu lực lượng này vẫn giữ vai trò như thanh tra du lịch, thanh tra văn hoá trước đây thì "khó đảm đương yêu cầu công việc".
Đồng tình với bà Bạch Tuyết, đại biểu Dương Ngọc Hải quan ngại trước việc khách quốc tế tới Việt Nam gặp phải tình trạng gây rối, chèo kéo..., khiến nhiều người "một lần tới Việt Nam rồi không quay trở lại". Theo ông Hải, việc lập cảnh sát du lịch sẽ góp phần xoá những nỗi sợ của khách du lịch khi tới Việt Nam, lực lượng này không nên "nằm" ở sở du lịch địa phương mà nên đưa về Bộ Công an quản lý nhằm đảm bảo tính thực thi cao hơn.
Ủng hộ việc lập cảnh sát du lịch, Phó giám đốc Công an TP Hà Nội Đào Thanh Hải cho hay, trước đây Hà Nội, TP HCM và một số địa phương đã nhiều lần dự định hình thành lực lượng này "đóng chốt" ở một số địa bàn trọng điểm về du lịch, nhưng chưa thực hiện được. Ông Hải lưu ý, ban soạn thảo dự luật trong quá trình xây dựng có thể tham khảo kinh nghiệm từ hoạt động của cảnh sát du lịch một số nước trong khu vực, đơn cử như Thái Lan
Ngoài đảm bảo an ninh, an toàn trật tự cho du khách trong xu thế hội nhập hiện nay, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) còn cho rằng, nếu có cảnh sát du lịch thì người có âm mưu chống đối, lợi dụng đường du lịch vào Việt Nam cũng phải dè chừng.
Tiếp cận theo hướng không đồng tình lập cảnh sát du lịch, đại biểu Trần Thị Phương Hoa, Chủ tịch Liên hiệp phụ nữ Hà Nội, lo lắng đề xuất trên nếu thành hiện thực sẽ khiến phình to biên chế, trong khi bộ máy Nhà nước đã quá cồng kềnh, du lịch Việt Nam cũng chưa phát triển đến mức cần thiết thành lập lực lượng này.
"Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có nhiều đơn vị quản lý", đại biểu Hoa nói và cho rằng, thay vì lập mới nên "xốc" lại và tăng trách nhiệm của đội ngũ công an hiện có vào công tác bảo vệ du khách....
Trước đó thẩm tra dự án Luật du lịch, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, làm rõ sự cần thiết, tính khả thi của việc thành lập lực lượng chuyên trách hỗ trợ, bảo vệ khách du lịch để tránh tình trạng tùy tiện, tăng biên chế, tạo gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Góp ý dự án Luật du lịch, Thượng tướng Tô Lâm (Bộ trưởng Công an) bày tỏ băn khoăn khi nói du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngân sách nhà nước đầu tư nhiều nhưng nguồn thu chưa tương xứng. Vấn đề với hình ảnh chung của du lịch Việt Nam là “sao” thấp, chủ yếu là khách đại trà, đi vào có khi chỉ tiêu trên dưới 7 USD/ngày, mua chai nước, mua bánh mì, tự thuê xe máy, xe đạp đi... Bộ trưởng Công an cho rằng Việt Nam còn ít tour cao cấp, du khách đến bằng máy bay nước ngoài, ăn ở khách sạn nước ngoài liên doanh đầu tư, cho đến hướng dẫn viên cũng nước ngoài... "Tất cả thu chi đó họ thanh toán với nhau ở nước ngoài", Thượng tướng Tô Lâm nói. Bộ trưởng Công an đề nghị học kinh nghiệm các nước xung quanh ở cách làm du lịch bài bản; đẩy mạnh xã hội hoá ngành du lịch. |
Anh Minh