Cho ý kiến về dự luật Báo chí (sửa đổi) chiều 14/11, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, có nhiều cơ quan báo chí do nhà nước thành lập, được bao cấp tài chính, dẫn đến gánh nặng về ngân sách. “Nhiều báo nhà nước cấp tiền in báo rồi lại mua báo đó. Báo được chuyển đến cho các cơ quan, đơn vị để đọc, song có đọc hay không thì chúng ta chưa biết. Có đại biểu phản ánh, tờ báo được phát nhưng không đọc”, ông Son nêu.
Người đứng đầu Bộ Thông tin cho rằng, từ thực tế trên cần có quy hoạch báo chí để giảm chi của ngân sách nhà nước. Theo quy hoạch mỗi tỉnh thành chỉ có một cơ quan báo chí và nhiều ấn phẩm. Như vậy sẽ nảy sinh vấn đề, có tờ báo trước đây cơ quan chủ quản chỉ tương đương cấp sở, nhưng có lượng độc giả lớn, tầm ảnh hưởng toàn quốc. Bên cạnh đó có tờ báo thuộc cơ quan chủ quản lớn hơn nhưng nhà nước phải bỏ tiền ra in, bỏ tiền ra mua và đi phát. “Khi thực hiện quy hoạch, sáp nhập anh nào về anh nào là bài toán khó”, Bộ trưởng Son nêu.
Cũng có quan điểm giảm bớt cơ quan báo chí dùng ngân sách, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, để báo chí phát triển được thì cần “cắt bớt” nguồn ngân sách đối với báo chí. Hiện có trên 800 cơ quan báo chí, nhưng chỉ trên 200 tự chủ, còn gần 500 cơ quan nhà nước nuôi.
“Báo chí phát triển cần bớt chuyện nhà nước nuôi. Nên tính toán lại, quy hoạch quan trọng nhất là nhà nước hạn chế tối đa việc cấp ngân sách, nuôi quá nhiều, tỉnh nào cũng có báo, nhiều địa phương trợ cấp đầu vào rồi lại bắt các nơi mua báo”, đại biểu Lịch nêu quan điểm.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Lê Như Tiến cho hay, hiện có nhiều mô hình hoạt động của báo chí: có loại hình ngân sách bao cấp hoàn toàn, thậm chí bao cấp cả trụ sở, phương tiện đi lại; tự chủ một phần; tự chủ hoàn toàn, có lãi nộp ngân sách. Nhưng số lượng cơ quan báo chí được bao cấp chiếm đa số.
Do đó, ông Tiến cho rằng Chính phủ nên sớm đưa ra đề án quy hoạch mạng lưới báo chí toàn quốc theo hướng cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. “Chiếc bánh ngân sách nhỏ mà có nhiều đối tượng cần ưu tiên đầu tư hơn như đồng bào nghèo, vùng xa, miền núi”, đại biểu Tiến nói.
Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, ông Thuận Hữu thông tin, báo chí phát triển rất nhanh chóng, mỗi năm thêm 1.000 nhà báo, trong nhiệm kỳ vừa qua Hội nhà báo kết nạp hơn 5.000 hội viên. “Do vậy, thay đổi Luật là đi theo trào lưu của thời đại, nếu làm không khéo chúng ta sửa xong, mai mốt lại phải sửa”, ông Thuận Hữu nêu. Về chức danh Tổng giám đốc các cơ quan báo chí như dự luật nêu, người đứng đầu Hội nhà báo Việt Nam cho rằng, lâu nay người đứng đầu báo in là Tổng biên tập, còn tại các cơ quan phát thanh, truyền hình là Tổng giám đốc. Nhưng trong luật đưa lên làm Tổng giám đốc hết. Ở nước ngoài là báo chí tư nhân, ông chủ báo (Tổng Giám đốc) thuê Tổng biên tập, Phó tổng biên tập làm báo, còn Tổng giám đốc quản lý tài sản. Nhưng ở Việt Nam, báo chí là của Đảng, tổ chức chính trị xã hội nên không thể áp dụng máy móc mô hình trên. “Nếu cơ quan báo chí nào cũng có Tổng giám đốc sẽ đẻ ra rất nhiều chức, nhiều ghế. Tôi thiết tha đề nghị Quốc hội giữ nguyên như hiện nay, vì lâu nay các tổng biên tập vẫn làm việc bình thường”, Chủ tịch Hội nhà báo đề nghị. |
Võ Hải