- Theo nghị định 167 xử phạt vi phạm hành chính về an ninh trật tự, an toàn xã hội, người bán dâm chỉ bị phạt tiền, không còn phải đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội, tại sao Đà Nẵng lại làm trái quy định này?
- Luật hiện tại chỉ xử phạt hành chính với người bán dâm, nếu tái phạm tiếp tục xử phạt mà không đưa vào cơ sở xã hội, không quản lý tại xã phường. Điều này đang tồn tại những bất cập và một số địa phương đã đưa ra cách làm riêng. Đà Nẵng đi tiên phong hơn khi thực hiện bằng văn bản, mang tính chất lâu dài, công khai minh bạch chứ không chỉ đạo miệng.
Theo đó, người bán dâm có nguy cơ bị dụ dỗ, chăn dắt, đe dọa, ép buộc thực hiện hành vi tình dục thì được đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội ở thôn Lộc Mỹ, xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang) để chăm sóc, bảo vệ khẩn cấp trong 3 tháng. Tôi nhấn mạnh là chỉ những người có nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng tình dục mới được bảo vệ, đưa vào cơ sở ở Lộc Mỹ, chứ không phải tất cả người bán dâm.
Ban đầu ai cũng dè dặt vì sợ vướng luật. Nhưng căn cứ vào Nghị định 167 của Chính phủ thì việc tiếp nhận, đưa người bán dâm vào cơ sở bảo trợ xã hội thuộc thẩm quyền UBND TP Đà Nẵng nên phía Chi cục tham mưu cho lãnh đạo thành phố. Phải mất một năm chúng tôi mới hoàn thành dự thảo, nhiều lần tổ chức lấy ý kiến các ngành và sau đó lựa chọn theo khía cạnh nhân đạo này.
- Việc đưa những gái bán dâm có nguy cơ bị xâm hại vào cơ sở bảo trợ có liên quan thế nào tới tình hình mại dâm hiện nay ở thành phố?
- Đà Nẵng chưa thực sự nhức nhối nạn mại dâm, so sánh với các địa phương khác chắc chắn sẽ khập khiễng, nhưng nếu ở thời điểm này chúng ta buông lỏng quản lý thì chắc chắn sẽ phải lãnh hậu quả ngay, mà có khi đến 10 năm sau cũng không khắc phục được. Bây giờ thành phố đang thấy trước nguy cơ đó thì dẹp bỏ trước để tránh sau này có những hệ lụy phức tạp.
Nghị quyết HĐND thành phố đưa ra mục tiêu năm 2016 phấn đấu trở thành "thành phố an bình, sống tốt". Người bán dâm không phải là người địa phương nhưng khi sinh sống trên địa bàn cũng không thể để họ bị chèn ép, cuộc sống khổ cực được. Bên cạnh việc giúp những nạn nhân này sống tốt, thành phố cũng nhắm đến việc đảm bảo an ninh trật tự do tệ nạn mại dâm gây ra. Mục đích cao cả nhất trong quyết định của Đà Nẵng tuyệt đối không phải là gom người bán dâm vào để nuôi nhốt mà là cách sớm nhất bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, dạy nghề và đưa họ về hòa nhập với gia đình, cộng đồng.
- Làm thế nào để phân biệt những người bán dâm chuyên nghiệp, tự nguyện với người đang bị dụ dỗ, lợi dụng để đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội?
- Quá trình làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội, nhiều người bán dâm nói rằng không muốn làm công việc này, nhưng bị ràng buộc, đe dọa. Đó là một cơ sở quan trọng để phân biệt họ tự nguyên hay bị ép buộc. Thực tế, những người bán dâm không thể hoạt động độc lập được mà bao giờ cũng bị chăn dắt, bảo kê.
Khi đi thực tế ở khu vực cầu vượt ngã ba Huế, chúng tôi chứng kiến nếu khách làng chơi đến đưa người bán dâm đứng đường đi ngay thì không có chuyện gì xảy ra, còn đứng lại đôi co giá cả hoặc chọc ghẹo là lập tức có 2 người đàn ông lạ mặt đến giải cứu. Dĩ nhiên những người đàn ông này không làm việc không công, mà sẽ được nhận một khoản thù lao từ thân xác của người bán dâm. Đấy là chưa kể đến người bán dâm bị các cơ sở dịch vụ quản lý, kèm cặp, dễ gì ra khỏi được đó. Có người do hoàn cảnh đưa đẩy, vay nợ không có tiền trả, bị ép đi bán dâm trừ nợ. Trong khi đó, người bán dâm khi bị bắt quả tang sẽ khai gian, dùng tên và quê quán khác, gây khó khăn cho việc xác định nhân thân.
Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Đà Nẵng sẽ lập một trung tâm để tiếp nhận việc khai báo của người bán dâm. Nếu xác minh được họ bị dẫn dắt, chúng tôi sẽ không phạt tiền mà làm thủ tục đơn giản nhất có thể, để tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội. Từ khai báo này, sẽ có thêm cơ sở cứu thêm những người bạn của họ.
Riêng những người tự nguyện bán dâm, chúng tôi cứ để pháp luật xử lý, tức là xử phạt vi phạm hành chính, và tuyệt đối không đưa vào cơ sở bảo trợ xã hội, kể cả họ có viết đơn tự nguyện xin vào. Bởi họ vào đó nhằm chữa bệnh rồi sau đó lại ra tiếp tục hành nghề. Những kẻ bảo kê, chăn dắt, môi giới chắc chắn sẽ bị phía công an chuyển hồ sơ qua tòa án xử lý hình sự.
- Nhiều người cho rằng người bán dâm "nhác làm siêng ăn" nên không cần giúp đỡ, ông nói gì về điều này?
- Việt Nam đã ký nhiều công ước với quốc tế, nhưng thực tế cả luật pháp và ý thức người dân chưa theo kịp được các nước. Tâm lý người dân còn kỳ thị với người bán dâm, cho rằng những người này nhác làm siêng ăn, làm xấu hình ảnh dân tộc, ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, nhưng đó là nhận thức không đúng. Bất luận là người, ai sinh ra cũng muốn mình làm người tốt, nhưng có những hoàn cảnh đẩy đưa, thì đây là những người cần được giúp đỡ.
Có người rơi vào con đường này ban đầu hiền lành, nhưng sau đó chai sạn rồi ăn nói, cư xử thiếu văn hóa hay có suy nghĩ tiêu cực. Việc cảm hóa cần một quá trình để thay đổi nhận thức của chính những người bán dâm, và của cộng đồng. Người bán dâm có thể lưu lạc giang hồ nhưng gặp hành động nghĩa hiệp sẽ thay đổi nhận thức.
Cũng chính từ sự mặc cảm và quan niệm sống của những người xung quanh, nên tâm lý của nhiều gái bán dâm ngại hồi hương. Trong 3 tháng đưa người bán dâm vào sống tại cơ sở bảo trợ xã hội, chúng tôi sẽ cố gắng để làm cầu nối, tạo những cuộc trao đổi nhằm đưa họ về đoàn tụ cùng gia đình. Những ai còn e ngại với địa phương, chúng tôi tư vấn cho học nghề, và sẽ tìm nơi cho họ làm việc như rửa bát, chén tại các nhà hàng.
Chúng tôi cũng tính đến trường hợp những người bán dâm sau khi ra khỏi cơ sở xã hội sẽ quay lại đường cũ, và chắc chắn sẽ có người tái phạm, nhưng giúp đỡ được ai thì tốt cho người đó.
Theo công an thành phố, trong năm 2015 đã phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, triệt phá 16 vụ hoạt động mại dâm, xử lý 56 người (2 môi giới mại dâm, 5 chủ chứa, 26 người bán dâm và 23 khách mua dâm), trong đó truy tố hình sự 5 vụ với 6 nghi phạm, xử lý hành chính 11 vụ với 50 người. |
Nguyễn Đông thực hiện