- Thưa ông, tại sao Đà Nẵng phải ra quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy riêng, không tuân theo quy trình của Luật xử lý vi phạm hành chính?
- Những năm trước đây, Đà Nẵng đã làm quyết liệt với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy, nhằm ngăn chặn phát sinh người nghiện mới, giảm thiểu người tái nghiện. Người nào bị phát hiện sử dụng trái phép ma túy lập tức bị xử phạt hành chính, giao cho gia đình và địa phương cai nghiện. Nếu phát hiện tái nghiện thì đưa đi cai tập trung, có thể học nghề hoặc học văn hóa, trang bị kỹ năng phòng, chống tái nghiện... Nhờ đó, tỷ lệ người tái nghiện của thành phố chỉ còn 41%, trong khi của cả nước là trên 85%.
Nhưng từ khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, việc đưa người nghiện đi cai gặp nhiều khó khăn. Số người nghiện ở thành phố đã tăng gấp đôi, hiện có 1.888 người nghiện có hồ sơ quản lý.
- Những khó khăn trong triển khai Luật xử lý vi phạm hành chính với Đà Nẵng là gì?
- Luật xử phạt vi phạm hành chính hiện hành tiếp cận được với văn minh thế giới, nhưng trình độ dân trí, nhận thức của Việt Nam chưa theo kịp được trình độ xã hội dân sự của các nước phát triển, nên khi ra văn bản rồi nhiều tiêu chí mình không làm được.
Chẳng hạn theo yêu cầu chuyên môn, muốn xác định tình trạng nghiện ma túy phải đưa về theo dõi trong vòng 72 giờ trong khi luật quy định người sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị quản thúc trong thời hạn tối đa 24 giờ. Hay như, Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định thì giao cho tổ chức xã hội quản lý trong thời gian chờ lập thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, mà tổ chức xã hội lại là những người làm việc ở các đoàn thể làm gì có chuyên môn điều trị, cắt cơn giải độc, đâu phải trạm xá nào cũng có 3 phòng kiên cố chống trốn thoát, chống thẩm lậu ma túy, chống nguy cơ tự sát hoặc gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người điều trị, các bệnh nhân khác…
Trông coi, chăm sóc quản lý người nghiện là một công việc vô cùng phức tạp, nguy hiểm, nhưng những người ở các tổ chức xã hội làm việc này không có chế độ thù lao, không có công cụ hỗ trợ, cơ sở vật chất làm việc không bảo đảm thì thử đặt câu hỏi có làm được không? Đương nhiên là không rồi, có mấy ai tự giác đi ngồi giữ người cai nghiện đến cả mấy chục ngày.
Sự phân quyền, phân thời gian cho các bộ phận khi làm thủ tục xem ra là cải cách hành chính, nhưng thực tế chỉ đứt một mắt xích là hồ sơ không đi tới cùng được. Đơn cử trong vòng 7 ngày công an lập hồ sơ đưa lên tư pháp bị trả về thì đã mất thêm một tuần nữa để làm lại.
Thẩm quyền quyết định đưa người nghiện vào trung tâm cai bắt buộc là tòa quận huyện. Nhưng khi tòa xét xử sẽ hỏi có đương sự không, không có đương sự thì tòa không xử. Theo quy định thì tòa phải xử vắng mặt, mà đã vắng mặt thì làm gì có người thực hiện quyết định của tòa.
Luật xử lý vi phạm hành chính hiện hành đảm bảo nhân quyền cho một bộ phận nhỏ người nghiện mà không lo quyền lợi cho số đông thì đất nước không phát triển được, người dân bất an. Sự gia tăng người nghiện, gia tăng tội phạm là cái giá phải trả rất đắt nếu ta cứ khoanh tay ngồi chờ sửa luật. Quy định của luật có thể ví như ra một bài toán mà học trò không đi đến đáp án cuối cùng được.
- Ý tưởng xây dựng quy chế riêng của Đà Nẵng triển khai như thế nào?
- Khi thấy luật nhiều bất cập như vậy, ngành Lao động Thương binh và Xã hội Đà Nẵng đã đề xuất UBND thành phố cho xây dựng quy chế phối hợp lập hồ sơ, tổ chức cai nghiện ma túy và được Ủy ban đồng ý ngay. Khi họp để thống nhất quy chế, nhiều ngành lo vướng luật. Trong một cuộc họp, Bí thư Thành ủy Trần Thọ thừa nhận quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính đang vướng mắc, nhưng Đà Nẵng vẫn phải tìm ra hướng đi, đích thân ông sẽ đứng ra nhận trách nhiệm trước trung ương nếu làm sai.
Cách làm của Đà Nẵng là các ngành cùng ngồi lại để lập hồ sơ, tổ chức đưa người nghiện vào trung tâm. Đà Nẵng không chờ 72 giờ để xác định nghiện nữa. Ngay khi lực lượng chức năng phát hiện và tạm giữ người có biểu hiện nghiện ma túy, người này sẽ được test ngay với sự có mặt của người có thẩm quyền, nếu có kết quả dương tính sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật: Phạt tiền nếu vi phạm lần đầu; lập hồ sơ đề nghị bắt buộc cai nghiện nếu từng có hồ sơ chứng minh liên quan đến sử dụng ma túy dưới 4 năm; giao cho gia đình quản lý trong khi chờ lập thủ tục nếu có nơi cư trú ổn định. Trong trường hợp không có nơi cư trú ổn định sẽ được lập hồ sơ đưa vào cơ sở quản lý chờ làm thủ tục chuyển tòa án xét xử. Trong quá trình lập hồ sơ đề nghị người nghiện hoặc thân nhân của họ được đọc hồ sơ theo quy định.
Các quận huyện sẽ lập ra một tổ tư vấn thẩm định hồ sơ bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Khi nhận được hồ sơ do UBND xã, phường đề nghị thì trong vòng 3 ngày tổ tư vấn thẩm định họp xem xét thống nhất tính pháp lý, nội dung hồ sơ rồi chuyển qua tòa án, thay vì phải mất 17 ngày như quy định tại Nghị định số 221/2013.
Phía tòa án cũng ủng hộ việc xem xét và ra quyết định trong vòng từ 5 đến 7 ngày chứ không phải chờ đến 15 ngày như quy định.
Đà Nẵng lập riêng một cơ sở xã hội để quản lý người không có nơi cư trú ổn định trong thời gian chờ lập hồ sơ mà chưa đưa vào cai nghiện tập trung. Cơ sở này có đầy đủ chức năng về y tế, trang thiết bị, chế độ hỗ trợ cho người bị quản lý và đội ngũ cán bộ, chống được thẩm lậu ma túy, chống hành vi trốn thoát và đe dọa sức khỏe, tính mạng những người xung quanh, hỗ trợ tư pháp trong quá trình xét xử và chấp pháp…
Tôi cho rằng đây không phải là làm trái luật mà là sáng tạo luật, tốt cho xã hội và cho bản thân người nghiện.
- Hiệu quả của quy chế mà Đà Nẵng đang thực hiện đến nay ra sao?
- Trong 10 ngày quy chế quản lý người nghiện của Đà Nẵng có hiệu lực, tòa Đà Nẵng đã xem xét và ra phán quyết với 7 trường hợp. Với cách làm này, chắc chắn sẽ có hiện tượng người nghiện chạy đi nơi khác.
Tháng 9 vừa qua, khi nói về tình hình ma túy hiện nay, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng địa phương nào có mô hình hay trong việc quản lý người nghiện thì trung ương ủng hộ. Tôi ngầm hiểu đó là đồng thuận với những việc làm có lợi cho dân, cho nước.
Đà Nẵng không phải cố làm trái luật mà thực tế là đang làm cho luật tốt hơn. Nếu quy chế của Đà Nẵng khả thi, theo tôi trung ương chỉ cần ra thông tư hướng dẫn cho địa phương cùng làm, thực hiện đồng bộ thì việc quản lý người nghiện sẽ hiệu quả.
Nguyễn Đông thực hiện