Luật sư John W. DeCamp hỏi thăm bà Ba Nhị. |
Luật sư John William DeCamp là cựu thượng nghị sĩ bang Nebraska, hiện là luật sư, chủ công ty luật mang tên ông. Ý nguyện của ông là muốn đứng về phía 21 nạn nhân trong vụ thảm sát Thạnh Phong kiện Robert Kerrey. Điều này được khẳng định thêm từ một quyển sách của chính ông viết, do Nhà xuất bản AWT Lincoln bang Nebraska phát hành, dày trên 400 trang.
Tháng 3 vừa qua, một tháng trước khi New York Times và CBS News loan tin về vụ Bob Kerrey và Thạnh Phong, luật sư John DeCamp cùng vợ con lưu trú tại Việt Nam trong một kỳ nghỉ. Ông nhớ lại khoảng thời gian xảy ra vụ việc: “Ít nhất là hai tuần liền, trên trang nhất các báo ở Mỹ đều nói về vụ Bob Kerrey và đăng tải hình ảnh bà Út Lãnh. Tôi rất giận Bobby, ông ta thành công và trở hành người hùng nhờ vào ngôi sao đồng và huân chương danh dự, nhưng hai thứ đó đều có được nhờ những thành tích dối trá”. Lúc Bop Kerrey mới được huân chương, chính John DeCamp thừa nhận cũng rất hâm mộ Bob Kerrey, nhưng sau khi vụ Thạnh Phong ra ánh sáng thì sự hâm mộ đã chuyển sang phẫn nộ. Ông nói: “Đã đến lúc dân Mỹ cần biết sự thật. Ngay từ thời chiến tranh Việt Nam, tôi vận động tranh cử từ Việt Nam vì muốn mọi người biết sự thật về cuộc chiến, chúng tôi đã không được nghe nói thật về cuộc chiến này. Và hôm nay, hơn 30 năm sau, người ta vẫn tiếp tục nói dối. Trong Thế chiến thứ hai, những kẻ gây ra tội ác phải bồi thường chiến tranh, người Mỹ chúng tôi yêu cầu như vậy. Nay tội ác do lính Mỹ gây ra ở Thạnh Phong cũng cần được nhìn nhận là tội ác chiến tranh và bồi thường. Người Mỹ đi đâu cũng dạy người ta về nhân quyền, nay đến lượt mình không thể chối quanh co hay bảo rằng không biết để lờ đi”.
DeCamp đã tìm những tài liệu về luật chiến tranh, sưu tập gần hết những bài báo Mỹ nói về vụ việc. Theo ông, việc nhiều tờ báo tỏ thái độ ủng hộ Bob Kerrey là điên rồ. Sau khi có đủ tư liệu, ông đi hỏi ý kiến một số thượng nghĩ sĩ về vụ việc. Người ủng hộ, người phản đối, người im lặng phớt lờ yên phận. Tuy nhiên, ông nói: “Chắc chắn sẽ có rất nhiều người trong chính phủ ủng hộ và hoan nghênh tôi. Tất cả những người trọng danh dự đều xấu hổ về việc này".
Sáng 5/6, bà Bùi Thị Nhị, ông Võ Văn Trĩ và bà Phạm Thị Lãnh đến ngôi biệt thự nơi luật sư cư trú. Ông yêu cầu bà Út Lãnh kể lại những gì đã xảy ra trong đêm kinh hoàng ở Thạnh Phong. Câu hỏi đầu tiên ông đặt ra: "Bà có dám bước qua máy kiểm tra nói dối không?". Bà Út đã kêu lên: "Trời ơi, tui thấy sao nói dzậy, đâu có nói dóc đâu mà sợ". Ông luật sư vỗ tay khẳng định: "Nếu tôi cũng hỏi câu hỏi này với Bobby, chắc chắn ông ta sẽ trả lời không". Điều thứ hai, ông hỏi gia đình bà Nhị có muốn ông đại diện cho các nạn nhân trước toà án và gia đình bà Nhị đồng ý.
Ông tâm sự: "Lúc đầu tôi còn hồ nghi, nhưng gặp họ tôi tin rằng những con người này không thể nói dối. Trên chính trường Mỹ người ta dường như luôn nói dối, vì vậy mới cần đến máy kiểm tra nói dối". Ngày 12/6, luật sư John W. DeCamp rời Việt Nam, mang theo tờ đơn kiện có chữ ký của các nạn nhân và tiến hành thủ tục kiện tại Mỹ.
Đơn kiện ghi rõ: "Hành động giết phụ nữ, trẻ em không vũ khí của toán lính do Bob Kerrey dẫn đầu đã vi phạm luật chiến tranh, công ước Geneve và những điều cơ bản của luật nhân quyền... Nay những người đứng tên dưới đây (bà Bùi Thị Nhị, 73 tuổi, con gái ông Bùi Văn Vát - người bị cắt cổ; ông Võ Văn Trĩ, con trai bà Nhị; bà Phạm Thị Lãnh - nhân chứng của vụ việc) là thân nhân, bạn bè của những nạn nhân yêu cầu và đồng ý để luật sư John William DeCamp làm đại diện cho mình, kiện và yêu cầu những bên có liên quan gây ra vụ thảm sát bồi thường những thiệt hại do vụ thảm sát gây ra"...
(Theo Tuổi Trẻ, 21/6)