Ngày 13/10, họ hàng cùng người dân thôn Nguyên Thịnh, xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) tề tựu ở nhà ông Nguyễn Sỹ Định. Ai nấy hồi hộp chờ đón cựu chiến binh Ian Wiliamson về trao lại kỷ vật của liệt sĩ Nguyễn Sỹ Quy, anh trai ông Định đã hy sinh trong một trận đánh tại Phước Tuy (nay là Bà Rịa - Vũng Tàu) năm 1971.
"Đã nhiều năm, tôi mong muốn tìm được thông tin về người lính đối phương đã hy sinh trong trận đánh ngày 13/6/1971. Tôi đặc biệt muốn tìm ra thân nhân liệt sĩ bởi nghĩ rằng họ chưa có được thông tin nào, có khi chỉ biết anh ấy mất tích trong chiến tranh. Nếu người đó là con trai hay anh em, người yêu của tôi thì tôi cũng rất đau khổ", Ian mở đầu cuộc trò chuyện.

Cựu chiến binh Ian Williamson trao lại chiếc võng và la bàn cho ông Nguyễn Sỹ Định (em trai liệt sĩ). Ảnh: Hoàng Phương.
Năm 1971, anh lính trẻ Ian Williamson được lệnh nhập ngũ, biên chế vào Trung đoàn số 4 Hoàng gia Australia tham chiến tại chiến trường Việt Nam. Khi đó mới 20 tuổi, Iran ham mê công việc cũng như những giờ lướt sóng trên bãi biển, vui đùa cùng gia đình, bạn gái. Đêm đầu tiên có mặt ở Việt Nam, ông đã khóc và không thể dự đoán được điều gì sẽ chờ đợi ở phía trước.
Ngày 13/6/1971, đơn vị Ian tham gia trận đánh tại Phước Tuy và giết hại một người lính Việt Nam, đó là liệt sĩ Nguyễn Sỹ Quy. Lính Australia tìm kiếm đồ rồi chôn xác người lính trẻ. Ian lấy cây rừng làm một thánh giá nhỏ đặt lên mộ và cầu nguyện. "Tôi làm thế bởi dù sao anh ấy cũng có bố mẹ, gia đình. Chúng tôi chỉ là một người lính, được huấn luyện để thực hiện nhiệm vụ trong chiến tranh. Người hy sinh có thể là chính tôi", ông nói.
Sau khi rời khỏi cuộc chiến tranh ở Việt Nam trở về đất nước, Ian nhiều đêm mất ngủ. Sau hơn 40 năm giữ chiếc võng và la bàn của liệt sĩ Quy, ông quyết định tìm kiếm thông tin về người lính với hy vọng tìm được gia đình để trả lại di vật. Trở ngại cho cuộc tìm kiếm là Ian Williamson không biết bắt đầu từ đâu. Ông chỉ nhớ thông tin liệt sĩ tên là Nguyễn Sỹ Huy (tức Quy) thuộc Đại đội 24, Trung đoàn 274, Sư đoàn 5, hy sinh lúc 24 tuổi. Ông cũng băn khoăn nếu tìm được gia đình liệt sĩ, không biết họ sẽ cư xử thế nào.

Nhìn tấm ảnh liệt sĩ Quy trước lúc lên đường nhập ngũ, ông Ian Williamson khẳng định đây là chủ nhân của những di vật mình đang tìm kiếm. Ảnh: Marin.
Người thân chờ đón di vật liệt sĩ
Với sự giúp đỡ của con gái Amanda Williamson; đại tá Darren Kerr, tùy viên quân sự Australia và Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (MARIN), Ian biết được thân nhân liệt sĩ Nguyễn Sỹ Quy ở Thiệu Hóa (Thanh Hóa) nên ông tìm về trao lại 2 di vật trên.
Khi xác minh được thông tin, ông Lê Tự Bình, cán bộ Phòng tùy viên, Đại sứ quán Australia đã gửi ảnh liệt sĩ Quy hồi trẻ do người thân cung cấp cho Ian để ông xác nhận một lần nữa. "Tôi hỏi Ian rằng có chắc chắn người trong bức ảnh là người lính mà các ông đã bắn ngày 13/6/1971 hay không? Ông ấy nhận ra, còn cho đồng đội cũ xem lại và nói với tôi rằng nếu không chắc chắn thì đã không sang Việt Nam để trao lại di vật", ông Bình nói.
"Sau 44 năm, tôi muốn trả lại những thứ không phải của mình, mong cho linh hồn liệt sĩ được vui vẻ. Đặt mình vào vị trí của gia đình, nếu tôi có con trai hay người thân hy sinh trong chiến tranh thì tôi cũng muốn có sự trao trả này. Chiến tranh thật sự không mang lại điều gì tốt đẹp", ông bật khóc và nói rằng rất cảm kích vì được gia đình liệt sĩ Quy chào đón.

Hàng trăm người có mặt tại buổi trao di vật. Ảnh: Hoàng Phương.
Amanda Williamson, con gái người cựu binh, chia sẻ: "Ông ấy giữ nhiều bức ảnh khi tham chiến ở Việt Nam, chiếc võng và la bàn cũng có ở trong nhà từ khi tôi còn nhỏ. Tôi nghĩ việc trả lại là quyết định quan trọng để cho ông ấy được thanh thản.
Có mặt tại buổi trao di vật, bà Đinh Thị Thọ, người con gái mà suốt thời thanh xuân liệt sĩ Quy yêu mến và muốn lấy làm vợ, lặng lẽ rơi nước mắt. Hai người ở cùng thôn, nhà cách nhau vài con ngõ. Trong trí nhớ của bà, người thanh niên tên Quy tính tình vui nhộn, đàn sáo, ca hát suốt ngày.
"Trước khi lên đường nhập ngũ năm 1967, anh ấy còn nói với mẹ tôi rằng, nếu con về mà Thọ đi lấy chồng, thì con vẫn là con trai của mẹ. Khi đó, chúng tôi chỉ đợi qua năm là cưới, nhưng vì chiến tranh nên anh ấy phải đi. Tôi không nhận được thư suốt thời chiến. Ngày hòa bình cũng không thấy anh ấy về cho đến khi nhận được giấy báo tử", bà kể. Bà Thọ chờ đợi suốt 10 năm rồi đi lấy chồng lúc 28 tuổi. Bà nói, nay thấy kỷ vật của người nằm xuống cũng coi như được an ủi phần nào.
Nhận lại những thứ từng gắn bó với anh trai mình, ông Nguyễn Sỹ Định cho hay, dù biết trước sẽ có cuộc gặp gỡ này nhưng ông vẫn rất xúc động vì những người từ đất nước xa xôi đã mang di vật về đây. Thấy vật nhớ người, ông như nhìn thấy lại được hình ảnh của anh trai. Nguyện vọng của ông và gia đình là xác định chính xác thông tin phần mộ liệt sĩ Quy để sớm đưa về quê.
Hoàng Phương
Video: Nhật Quang