Gần 60 năm trôi qua kể từ khi tộc người Rục được phát hiện, đưa ra khỏi hang đá, nay họ định cư giữa những thung lũng bằng phẳng ở xã Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình), không còn “sáng ra khỏi hang, tối vào lại” như trước đây.
Ký ức về cuộc sống “săn bắt hái lượm” vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người Rục. Một số cụ ông, cụ bà “không nhớ nổi tuổi” đôi khi thèm khát cuộc sống hang đá, đã quay lại hang ở đôi ba ngày.
Trong căn nhà gỗ tuềnh toàng, ông Cao Tiến Thuỳnh (62 tuổi, bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa) không nguôi nhớ núi rừng, hang đá. Ông bảo cứ 5-10 năm lại vào thăm hang một lần. “Dù đi một ngày đường mới đến nơi, nhưng lâu lâu thăm hang như về lại quê hương”, ông Thuỳnh nói.
Ông Thuỳnh được sinh ra ở hang đá, sống đến 10 tuổi mới về định cư tập trung. Người Rục dùng than củi đánh dấu vào cửa hang để người khác biết hang có chủ, hàng ngày họ đào củ mài, bột cây nhúc, săn khỉ hay bắt cá ốc dưới suối để ăn.
Ngọn cây nhúc phơi khô được người Rục dã nhuyễn rồi hòa vào nước đang sôi thành thứ bột dẻo để ăn. Cũng từ cây nhúc, người Rục chế thành rượu, việc uống rượu như một tập tục văn hóa và để giữ ấm trong mùa đông nên nam phụ lão ấu đều dùng.
“Nỏ của người Rục làm từ cây táu, dây cung làm bằng cây sót, mũi tên có tẩm nhựa cây độc để săn thú”, ông Thuỳnh kể. Trong những chuyến săn dài ngày, người Rục hong khô con vật để dùng về sau, còn săn gần hang thì nướng thịt ăn luôn. Họ dùng vỏ cây sung, vả..., đập mềm, phơi nắng khoảng một tuần sau đó rửa sạch rồi bện thành áo quần, trải làm nệm ngủ. Khi ý thức được "sự dậy thì", người Rục chế cho mình cái "dằn tói" để che đậy chỗ nhạy cảm trên cơ thể.
Ở tuổi 74, ông Hồ Pứa nhớ lại: “Cuộc sống khi đó không có ngày tháng gì cả, chỉ biết trời sáng thì thức giấc. Sau này ra khỏi hang, được đi học mới đoán ra tuổi của mình”, ông Pứa nói và cho biết người Rục thường dùng một hòn đá đánh mạnh vào thanh sắt để tạo lửa khi ở hang, họ đốt bếp lửa suốt ngày để sưởi ấm, xua đuổi muỗi và thú dữ.
Một số loại cây được người Rục đốt cháy thành tro, đổ tro vào nước khuấy đều rồi dùng những thứ lắng xuống dưới làm muối. Ngoài săn thú, họ còn chế lưỡi câu, dùng dây rừng bện thành sợi để câu cá. Mỗi chuyến đi săn, người Rục tổ chức thành nhóm 1-3 người. Mấy chục năm trước, rừng núi ở Quảng Bình có nhiều voi và hổ, ông Pứa kể từng có một phụ nữ bị hổ tha khi ngủ trong hang.
Nồi nấu ăn của người Rục được chế từ cây gỗ khoét rỗng ruột nên "chỉ nấu vừa sôi rồi bắc xuống chứ không sẽ cháy nồi”. Những lúc không còn thú hay củ mài để ăn, người Rục tìm cây chà lị, có quả giống mít rồi luộc lên "cầm hơi" qua ngày. Ông Pứa cho hay họ không trồng trọt hay chăn nuôi, cuộc sống hoàn toàn dựa vào rừng núi.
Không như ông Pứa có cuộc sống mới ổn định, cụ ông Cao Vên (bản Ón) nhiều lần cùng vợ bỏ bản lên sống ở hang đá. Cả hai đều không nhớ tuổi, “chỉ nhớ cái hang”. Những khi hết lương thực, cả hai về lại bản, lấy thêm gạo và mắm muối. Nay vợ chồng ông đã quay lại sống ở bản, nhưng trên hang đá vẫn còn áo quần, cần câu cá và một số vật dụng khác như thuốc tây, chai nước, bia lon…
Ông Cao Thanh Biên, Bí thư Đảng ủy xã Thượng Hóa, cho hay nhà chức trách đã kiên trì qua nhiều năm vận động người Rục từ bỏ hang đá, đến nay cơ bản không có hộ dân nào sống trong hang. “Thi thoảng có vài người đi làm rẫy xa dài ngày, nghỉ lại hang qua đêm. Đời sống người Rục ngày càng khá lên và ổn định”, ông Biên nói.
Khoảng những năm 1958-1959, công an vũ trang (nay là biên phòng) phát hiện nhóm người nguyên thủy sống giữa rừng ở khu vực biên giới Quảng Bình. Đầu năm 1960, người Rục được vận động ra sinh sống tập trung, lúc ấy chỉ có 34 người. Đến năm 2012, lần đầu tiên, Đồn biên phòng Cà Xèng giúp người Rục làm lúa nước, tự đảm bảo được một phần lương thực. |
Hoàng Táo