Ông Đoàn Nghĩa - một trong 9 em bé may mắn sống sót sau vụ thảm sát ở xã Bình Hòa (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) tháng 12/1966, ngồi lọt thỏm giữa đoàn 30 người Hàn Quốc vừa ghé nhà. Đây là những người tham gia phong trào "Xin lỗi Việt Nam".
Mất đi đôi mắt, giờ đây ông Nghĩa có một gia đình nhỏ với người vợ tảo tần và hai đứa con được học hành tử tế, dù gia cảnh vẫn nghèo.
Ngày này 50 năm trước, ông Nghĩa mới sáu tháng tuổi. Lính Đại Hàn khoác áo rằn ri, mang theo súng đạn ập vào những ngôi làng giết hại 430 người dân xã Bình Hòa. Mẹ ông Nghĩa, cùng nhiều người khác bị đẩy xuống ruộng. Tiếng súng nổ, từng người dân ngã xuống. Máu nhuộm đỏ cánh đồng.

Ông Đoàn Nghĩa (bìa phải), là nạn nhân đã mất đi đôi mắt trong vụ thảm sát của quân đội Đại Hàn ở Bình Hòa 50 năm trước. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ông Nghĩa nghe người anh trai Đoàn Nhân cùng nhiều nhân chứng vụ thảm sát kể lại, mẹ ông khi bị trúng đạn đã cố lấy thân mình che chở cho những đứa con. Quân lính rời đi bỏ lại xác người xếp lớp lẫn trong bùn. Những người còn sống phải lấy nước giếng rửa từng thi thể mới nhận dạng được. Bà nội, mẹ và chị gái ông Nghĩa chết cùng ngày hôm đó.
Khi Nghĩa được một tuổi, mọi người mới biết ông bị mù, "có thể do bị ngâm quá lâu dưới bùn lẫn khói thuốc súng". Bố ông sau đó hy sinh trong chiến tranh, hai anh em Nhân, Nghĩa sống cảnh mồ côi khốn khó. Năm 24 tuổi, ông Nghĩa lập gia đình với bà Hà Thị Lịch. Cuộc sống bù đắp cho ông khi vợ sinh được hai người con. Ông đặt tên hai con là Bình và Yên.
Con trai lớn của ông đã học xong cao đẳng Hữu nghị Việt - Hàn (TP Đà Nẵng), con thứ là sinh viên ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. Ông Nghĩa ao ước con mình ra trường sẽ có việc làm.
Những người Hàn Quốc chăm chú ngồi nghe câu chuyện về ông Nghĩa giữa cơn mưa tầm tã. "Về đây nơi những lính Hàn Quốc đã gây ra vụ thảm sát, các anh chị cảm thấy như thế nào, có đau khổ không?", ông Nghĩa đặt câu hỏi. Không khí cuộc gặp rơi vào im lặng, hồi lâu sau một nam thanh niên đã trả lời rằng, những người Hàn Quốc đến đây không ai dám nói mình đau khổ bằng ông Nghĩa, hay buồn như người dân xã Bình Hòa được. "Nhưng thực lòng chúng tôi rất đau khổ. Chúng tôi rất lấy làm xấu hổ. Trước bia căm thù, chúng tôi đã khóc rất nhiều", anh nói.
Nét mặt điềm tĩnh, ông Nghĩa nói ông coi những người trẻ Hàn Quốc đến Việt Nam hôm nay, nhất là những người đang ở xung quanh ông là bạn. "Bây giờ hai nước đã bình thường hóa quan hệ, chúng ta làm ăn bình thường, đôi bên cùng có lợi nhưng quan trọng là phải biết cùng nhau gìn giữ hòa bình", ông Nghĩa nói rồi cầm cây đàn, hát một khúc ca như về chính cuộc đời mình: "Dù cho chiến tranh đã cướp của tôi đôi mắt này... hạnh phúc của chúng ta, tình như xuân nở hoa, và qua đi nỗi đau để sống gần nhau".

Ông Nghĩa cất tiếng hát gửi gắm thông điệp hòa bình đến người Hàn Quốc. Ảnh: Nguyễn Đông.
Dù không hiểu được ý nghĩa ca từ, nhưng những người Hàn Quốc đến ôm chầm lấy ông Nghĩa. Có bạn trẻ nói ông có một gia đình hạnh phúc nhất thế giới.
Bà Lee Kyung Ja, một thành viên trong đoàn, đã nắm chặt bàn tay của ông Nghĩa, nói mình là con của một cựu binh, đến gặp ông để "nói lời xin lỗi". Ông Nghĩa nở nụ cười tươi, đón nhận những cái ôm chân tình.
"Tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều, bỏ qua những khó khăn của đời mình thì mới khép lại được quá khứ", ông Nghĩa chia sẻ với VnExpress.
Nguyễn Đông