Trong căn nhà trọ nhỏ ở thị xã Bạc Liêu, ông Trần Trinh Đức - con trai của Công tử Bạc Liêu buồn bã ngắm nhìn cô con gái bị bệnh tâm thần phân liệt, cứ vô tư ngồi cười hềnh hệch. Bằng giọng trầm nhỏ, người đàn ông tuổi đã quá 60 cho hay, cuộc sống của gia đình ông hiện tại là chạy cơm mỗi bữa, tài sản duy nhất là chiếc xe máy để chạy xe ôm kiếm sống.
* Ảnh dinh thự cũ của Công tử Bạc Liêu |
Theo ông Đức, dòng họ ông bắt đầu gặp khó khăn về kinh tế từ khi cha ông mất. Anh em ông bán căn biệt thự ở đường Nhất Linh, nay là đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Gò Vấp, TP HCM để chia mỗi người một phần. Riêng ông thì chuyển về ở nhờ nhà vợ tại đường Huỳnh Tịnh Của, quận 3. Dù buôn bán lặt vặt ở đất Sài Gòn nhưng nhờ được kế thừa một phần tài sản của Công tử Bạc Liêu nên cuộc sống tạm ổn. Thế rồi đứa con gái duy nhất của ông sa vào bài bạc, bị lừa cả tình lẫn tiền dẫn đến mắc nợ và bị bệnh tâm thần phân liệt. Vợ chồng ông phải bán hết tài sản còn lại để trả nợ cho con nhưng vẫn không đủ đành dắt díu nhau sang Campuchia lánh nợ với đủ thứ nghề.
Giọng nghèn nghẹn, ông Đức kể, sau hai năm trốn nợ bên đất khách quê người, năm 2000 ông Đức dẫn vợ con về lại TP HCM sống với nghề chạy xe ôm. Ông phải làm việc từ 5h sáng đến tận nửa đêm nhưng cuộc sống vẫn mãi nghèo túng vì ngoài chi phí sinh hoạt, gia đình ông phải mua thuốc điều trị cho con gái. Đến tháng 7 vừa qua, gia đình ông về cố hương tìm chốn dung thân.
Tài sản duy nhất của ông Đức giờ chỉ còn chiếc xe máy. |
Trở lại khuôn viên dinh thự của dòng họ Trần Trinh giàu nhất xứ Bạc Liêu xưa, nay được trùng tu thành khách sạn Công tử Bạc Liêu, ông Đức con trai của Công tử Bạc Liêu với người vợ thứ hai quê Mỹ Tho cho biết cha mình có đến 4 người vợ. Ngay từ lúc lọt lòng, ông Đức đã mồ côi mẹ nên cùng anh trai là Trần Trinh Nhơn được cha đón về sống trong “nhà lớn”, chị ông Đức là bà Trần Thị Thảo sống với bà ngoại ở Mỹ Tho.
“Tôi sinh ra lúc ba tôi còn giàu có nên hồi 7 tuổi đã được ông gửi học tại Trường Lasan Taberd (nay là Trường THPT Lê Lợi, TP Sóc Trăng) thuộc dòng La Salle Saigon, cuối tuần lại rước về “nhà lớn”. Vài năm sau, ông đưa anh em tôi lên Sài Gòn học để cùng nhau quản lý tài sản là các dãy nhà phố và sống tại biệt thự số 117 Nguyễn Du. Sau này chúng tôi chuyển qua ở biệt thự trên đường Nhất Linh”, ông Đức bồi hồi nói.
Xuất thân giàu có, ảnh hưởng sự phong lưu của cha nên những năm tháng vàng son, không chỗ vui chơi nào ở Sài Gòn mà ông Đức không biết đến bởi đêm nào cũng đi nhảy đầm. Người em cô cậu ruột của ông là ông Phan Kim Khánh khi ấy cũng học ở Sài Gòn và “ham vui” có tiếng. Ông này biết trong “nhà lớn” có 5 cặp bình màu xanh lục (lục bình) có dấu ấn vua chúa được ông ngoại Hội đồng Trạch mua được từ bên Tàu. Mỗi lần vui chơi hết tiền, ông Khánh được một đại gia nổi tiếng trong giới kinh doanh xe máy ở Sài Gòn “xúi” về quê “chôm” cặp lục bình mang lên bán với giá 250.000-300.000 đồng/cặp (thời ấy giá lúa chỉ có 1,7 đồng/giạ) để lấy tiền tiêu xài. Đến năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Khánh chính là người trực tiếp bàn giao 3 cặp lục bình còn lại cùng với toàn bộ tài sản là khu “nhà lớn”, đất đai, các khu phố… ở Bạc Liêu cho chính quyền cách mạng.
Cũng theo hậu duệ của Công tử Bạc Liêu, dòng họ Trạch thời đó sở hữu điền sản cò bay thẳng cánh với 145.000 ha ruộng lúa và 10.000 ha ruộng muối nằm dọc theo biển Bạc Liêu. Ngày cha ông về nước sau 3 năm du học bên Pháp, ông nội tất bật lên Sài Gòn mua ngay chiếc xe Ford mới cáu để đón “quý tử”, cũng là để làm rạng mặt dòng họ Trần Trinh lúc bấy giờ.
Dinh thự của Công tử Bạc Liêu giờ thành khách sạn. |
Người dân Bạc Liêu vẫn còn truyền lại câu chuyện nhờ cái mác “học bên Tây” về nên Ba Huy được cha rất ưu ái, mua hẳn ca-nô và máy bay để đi làm ăn, thu nợ và… thăm ruộng lúa, ruộng muối. Vậy là, ngoài vua Bảo Đại, Ba Huy là người dân sở hữu máy bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Có lần qua Rạch Giá thăm ruộng, Ba Huy hứng chí lái luôn máy bay ra Hà Tiên chơi. Do mải bay nên xăng hết không hay buộc lòng phải đáp khẩn cấp xuống đất Thái Lan (nước Xiêm). Trong lần “nhập cảnh trái phép” này Ba Huy bị bắt giữ và phạt 200.000 giạ lúa, buộc họ Trạch phải đưa một đoàn ghe dài chở lúa qua chuộc “quý tử” về.
Xung quanh chuyện giàu có của cha ông, ông Đức luôn cho đó là những kỷ niệm đáng nhớ mang theo suốt đời vì cái tên Công tử Bạc Liêu đã “vang danh” cả nước. Tuy nhiên, không ai “giàu ba họ” nên giờ đây nhiều người con của Công tử Bạc Liêu đang sống trong cảnh khốn khó, trong đó có ông.
Ông Đức kể, năm 1974 cha ông qua đời tại Sài Gòn, anh em ông đưa thi hài về quê an táng và lập mộ tại khu nhà mồ ở khu đất hương hỏa 1.000 ha tại Cái Dầy, thị trấn Châu Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu). Lúc đó, dù đất hương hỏa rộng lớn nhưng con cái tứ tán nên bị lấn chiếm, sang bán dẫn đến mất gần hết tài sản. Khu nhà mồ dòng họ Trần Trinh hiện nay đường đi rất khó khăn bởi cỏ mọc cao hơn đầu người.
Đầu năm 2009, một doanh nghiệp ở Bạc Liêu hay tin con trai Công tử Bạc Liêu sống đời cơ cực nên đã gợi ý với ông là về Bạc Liêu. Trong một lần về giỗ cha tại khách sạn Công tử Bạc Liêu, ông Đức đã gặp ông Nguyễn Chí Luận (giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Bạc Liêu) và bày tỏ nguyện vọng muốn về quê lập nghiệp. Chính vì vậy mà vị giám đốc này đã cho ông mượn khu đất rộng 300 m2 với thời gian 50 năm, nằm đối diện khu du lịch Hồ Nam. Đầu tháng 11/2009, ông Luận và nhà văn Phan Trung Nghĩa cùng với ông Đức ra nền đất ấy thắp nhang động thổ xây dựng nhà ở, kết hợp phủ thờ Công tử Bạc Liêu. Tuy nhiên, đã gần một năm trôi qua nhưng khu đất vẫn chỉ là một bãi cỏ mọc um tùm.
“Động thổ để cất nhà lâu rồi mà đất vẫn còn hoang vu, cây cỏ mọc um tùm nên tôi phải ở đậu. Tôi tuổi già thế này thì khó xin được việc. Giờ mỗi ngày cứ phải chạy vạy khắp nơi vay mượn tiền mua gạo và thuốc thang cho con gái”, ông Đức buồn bã nói.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Chí Luận cho biết, theo đề nghị của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, ông sẽ nhanh chóng ứng tiền mua khung nhà gỗ từ huyện Hòa Bình, san lấp mặt bằng trên khu đất cỏ mọc um tùm hiện nay để xây nhà kết hợp phủ thờ Công tử Bạc Liêu giúp ông Đức.
Theo ông Luận, lý do ông cho ông Đức mượn đất 50 năm là vì công ty của ông cũng chỉ được phép sử dụng đất tại khu đô thị Địa ốc Bạc Liêu trong khoảng thời gian ấy. Khoản tiền ông tạm ứng ra để cất nhà sẽ được hoàn lại bằng tiền mà Hội Nhà báo tỉnh Bạc Liêu vận động giúp ông Đức.
Thiên Phước