Tháng 10/1987, tiết trời rừng già huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi ẩm ướt. Nhóm phu trầm ông Lê Văn Xuân (54 tuổi, xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh) với gần 20 người lần theo bản đồ sau gần tuần băng qua các ngọn đồi mới tìm được địa điểm có nhiều cây dó bầu lâu năm, nghi có kỳ nam. Nơi đây, địa hình hiểm trở, vực chênh vênh, song dân địu tập trung đông.
Vừa tới nơi, họ chạm mặt dân bản địa, bị đuổi khỏi rừng. Tranh cãi gay gắt, hai nhóm quyết định xử theo "luật rừng". Mỗi bên chọn ra người giao đấu. Bên nào thua, nhóm đó tức khắc phải xuống núi và tuân thủ quy định của bên thắng cuộc.
"Nếu chúng tôi thắng thì được đi cùng khai thác. Còn họ thắng, nhóm tôi buộc phải bỏ lại toàn bộ tài sản, vật dụng mang theo và rời khỏi rừng", ông Xuân nói và cho biết, dân địu mỗi lần gặp người địa phương thường tránh, vì khi xích mích cả làng kéo đến, hậu quả khó lường.
Quy định giao đấu những người bên ngoài đứng xem, không được can thiệp và phải tuân thủ luật chơi. Đánh nhau gần 20 phút, phu trầm lúc ấy là anh Long (dân địu hay gọi anh cả), người to, cao tầm 1m8 hạ gục được đối thủ.
Tuy thắng cuộc, nhóm ông vẫn nơm nớp lo vì sợ bị trả thù. Trong lúc họ tìm trầm luôn có người gác trại vì sợ bị đánh úp, nhất lúc trời tối. Hơn 15 ngày khai thác, nhóm ông Xuân trúng được rất nhiều trầm và gần chục kg kỳ nam. Lúc trở về, họ không đi lối cũ mà tìm đường vòng đến Quảng Nam, tránh bị cướp.
Các phu trầm gói hàng vào túi nylon cột chặt, ngày ngủ còn tối đến men theo sông Thu Bồn và không dám đi đường lộ cho đến khi đặt chân xuống đồng bằng. "Lần đấy, tôi sắm được 15 lượng vàng, rồi xây nhà mới", ông Xuân phấn khởi khoe.
Lần khác, hơn 25 năm trước, ông và các bạn trên đường trở về sau gần tháng tìm kỳ nam. Khi băng qua rừng Hòa Vang (TP Đà Nẵng), nhóm ông không may bị hàng chục người chặn đường đánh bị thương, cướp sạch hàng.
Từng phải đối mặt với hiểm nguy thời đi địu, ông Nguyễn Văn Dũng (52 tuổi, xã Vạn Phước, huyện Vạn Ninh) bảo chuyện vào rừng tìm trầm bị tranh giành lãnh địa là thường tình.
Năm 1980, ông cùng 5 người trong thôn đang khai thác trầm ở rừng già Đăk Lăk, bất ngờ nhóm địu khác xuất hiện. Phát hiện khu vực có nhiều cây dó bầu với thân khá lớn, nghĩ có kỳ nam nên họ tìm cách gây sự, ý định giành quyền khai thác.
Trời vừa nhập nhoạng tối, gần chục người lăm lăm dao, rựa nói giọng miền núi tìm đến lán trại của nhóm phu trầm Khánh Hòa. Gặp bầu trưởng, họ xưng là người địa phương, yêu cầu nhóm ông Dũng phải dở trại, rời rừng trước khi mặt trời mọc.
Trong giới phu trầm, đàn anh đi trước thường truyền cho người địu sau lúc tới nơi lạ phải nhẫn nhịn, tránh những xung đột. "Lần ấy, chúng tôi mới có được ít hàng, nếu trở về hoặc tìm địa điểm khác sẽ lỗ vốn", ông Dũng hồi tưởng và cho biết, sau lúc bàn bạc, bầu trưởng quyết định phải lên tiếng, trường hợp không tránh được đành phải đối mặt.
Sáng sớm hôm sau, những kẻ tranh giành trở lại. Thấy trại vẫn còn nguyên vẹn, toán người này lớn tiếng doạ "xử". Mọi người nhóm ông Dũng im lặng, song đã chuẩn bị sẵn để "đánh giáp lá cà".
Xảy ra cự cãi, hai bên xung đột, lao vào đánh nhau. Phần ít người hơn với mệt mỏi, nhóm ông Dũng yếu thế. Một số thành viên bị đánh tơi tả, thương tích buộc phải tháo chạy, bỏ lại điểm khai thác trầm. "Chúng tôi trở về mà lòng căm tức, nhưng cũng từ đó không gặp lại những người đó nữa", phu trầm chia sẻ.
Kể về hành trình tìm kỳ nam, cựu phu trầm Võ Văn Phát (67 tuổi, xã Vạn Phước, Vạn Ninh) vẫn nhớ chuyến đi sinh tử vào một ngày trung tuần tháng 4/1986.
Lần đó, ông cùng 5 người, trong đó có anh ruột là Võ Tuấn đến rừng già ở Gia Lai. Sau nhiều ngày lùng sục, họ phát hiện trong bụi lồ ô rậm rạp một thân cây dó bầu to lớn, đã mục. Cả nhóm túm tụm lại cùng cầm cuốc, dũm và rựa để khai thác. Hì hục đào, họ tìm được lõi kỳ nam nặng hơn 10 kg. Nhóm nhanh chóng tìm đường trở về.
Hôm đó, trời vừa tối, nhóm địu đến gần con suối, xung quanh những cây cổ thụ mọc san sát. Bầu trưởng bảo tạm nghỉ lấy sức, hôm sau tiếp tục đi. Chưa kịp dựng lán trại thì nhóm phu trầm khác tay lăm lăm những khẩu súng cạc-bin do Mỹ sản xuất, bắn nhiều phát chỉ thiên.
Nhóm ông Phát yếu thế, bị khống chế vào góc cổ thụ. Gã đàn ông thấp người, nước da đen bóng với bộ râu rậm, tới gần các phu trầm quát tháo, hăm doạ. "Hắn yêu cầu các thành viên giao những gì có trên người, nếu không sẽ bắn chết", ông Phát kể.
Núp ở phía xa, ông Phát đeo balô với hơn 10 kg kỳ nam lẻn vào rừng. Chạy hơn 10 m, ông bị họ phát hiện, bắn trúng chân trái. Chúng lao đến cướp hàng, rồi tẩu thoát.
Ông được mọi người sơ cứu, tìm lá cây rừng cầm máu, lấy võng dã chiến tìm nơi chữa trị. Lúc tỉnh lúc mê, song ông biết phải mất 4 ngày băng rừng mới đến được Bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi. Được bác sĩ phẫu thuật cứu mạng, nhưng chân trái ông bị cưa đứt. "Họ nói nếu chậm trễ, sinh mạng tôi khó giữ được vì vết thương bị hoại tử và nhiễm trùng nặng", lão ông nhớ lại chuyến đi sinh tử.
Ngồi cạnh chồng, bà Trần Thị Lan (vợ ông Phát) trầm ngâm. Hôm đó, nửa đêm hàng xóm sang gọi cửa, nói có người báo chồng bà bị thương, được cứu đưa tới bệnh viện Quảng Ngãi. Bà lục được vài trăm nghìn trong nhà, rồi tức tốc bắt xe khách đi trong đêm.
Tới nơi thấy chồng nằm trên giường bệnh, chân trái bị cưa đứt khiến người vợ xót xa. Chăm sóc chồng ít hôm, bà tất tưởi trở lại nhà vay tiền lo viện phí. Hơn tháng, bà ở bệnh viện chăm chồng, việc nhà nhờ người trông coi. "Ông nhà nhiều lần chán nản, tôi cũng tuyệt vọng theo, nhưng nghĩ ổng còn sống trở về là may mắn rồi nên vợ chồng an ủi nhau", bà tâm sự.
Ông Phát bỏ rừng luôn lần ấy. Bị tàn phế, người đàn ông trụ cột gia đình sống dựa dẫm vào vợ con. Rồi mấy năm trước, ông bị tai biến nhẹ, mọi việc phải nhờ người khác.
Không chỉ đối mặt với nhóm địu khác, để yên ổn khai thác kỳ nam, giới phu trầm còn phải "lại quả" lực lượng chức năng. Tuy nhiên, nhiều cán bộ cũng phải trả giá, vướng vào lao lý khi ăn chặn kỳ nam của phu trầm.
Hồi tháng 9/2012, hàng nghìn người kéo về rừng Gộp Ngà huyện Khánh Sơn (Khánh Hoà) tranh giành đào trầm gây mất an ninh trật tự. UBND huyện thành lập đội liên ngành do công an huyện làm thường trực, ngăn chặn dòng người đổ về.
Một số thành viên của đội liên ngành làm ngơ cho phu trầm khai thác, thỏa thuận ăn chia 50:50 nếu đào được trầm hương. Cuối tháng đó có nhóm người đào được 1,5 kg trầm nên các thành viên trong đội tới lấy đem bán, hứa chia đôi.
Nhiều ngày sau, phu trầm không nhận được tiền đã làm đơn tố cáo. Công an Khánh Hòa vào cuộc điều tra, nhiều cán bộ công an huyện bị khởi tố.
Sau nhiều lần đưa ra xét xử, tháng 8/2016, TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt Nguyễn Thành Trung (nguyên trưởng Công an huyện Khánh Sơn) mức án 9 năm tù về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Với tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Nguyễn Hồng Hà (cựu Đội trưởng CSGT) và Vũ Anh Trung (nguyên Đội trưởng Cảnh sát kinh tế - môi trường) cùng bị 5 năm 6 tháng tù; Trần Lệ Kiên (nguyên Đội phó Cảnh sát thi hành án hình sự - hỗ trợ tư pháp) nhận 5 năm tù; Luân Văn Nam lĩnh 2 năm 6 tháng tù.
Xuân Ngọc