Trao đổi với VnExpress ngày 5/8, Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) Vi Kiến Thành cho biết, công trình tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc ở Sơn La đã làm đúng quy trình và có ý kiến đồng thuận của các bộ: Văn hóa Thể thao và Du lịch, Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Xây dựng. Ban Bí thư cũng có văn bản đồng ý chủ trương.
Cục trưởng Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm Vi Kiến Thành cho biết, theo nguyên tắc tượng đài ở Sơn La chưa thể lên được kinh phí dự trù. Ảnh: NVCC. |
Nói về con số 1.400 tỷ đồng để xây dựng khu tượng đài, quảng trường, bảo tàng..., Cục trưởng Thành cho biết, về nguyên tắc tượng đài ở Sơn La chưa thể lên kinh phí dự trù. Mức kinh phí này chỉ có thể xác định sau khi hoàn thiện phác thảo bước 2 (phác thảo tượng đài cao 1,3 m). Khi đó người ta sẽ xác định được tượng gồm bao nhiêu nhân vật, làm bằng chất liệu gì, quy mô, không gian kiến trúc như thế nào... "Tượng đài ở Sơn La còn chưa xong bước 1 - chọn phác thảo ý tưởng nên đương nhiên chưa thể xây dựng dự toán kinh phí", ông Thành nói và nhấn mạnh "từ trước đến nay ở Việt Nam chưa bao giờ có chuyện xây tượng đài 1.000 tỷ đồng".
Theo ông Thành, quan điểm của Bộ Văn hóa và Cục Mỹ thuật là khi tuyển chọn bất cứ tác phẩm, phác thảo nào cũng phải căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội của từng địa phương, quy mô công trình phù hợp với không gian kiến trúc ở địa phương đó. "Bộ và Cục Mỹ thuật không có tư tưởng xây dựng tượng đài tràn lan hoặc chạy theo quy mô hoành tráng", ông Thành nói.
Trước đó ngày 4/8, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã có văn bản gửi Thủ tướng báo cáo về việc xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Văn bản nêu, chủ trương xây tượng đài tại thành phố Sơn La đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng cho ý kiến, Thủ tướng đồng ý bổ sung vào quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030; các bộ đồng tình. Trên cơ sở đó, tỉnh Sơn La xây dựng đề án và được HĐND tỉnh thông qua ngày 8/7.
Ngoài các hạng mục có ghi trong nghị quyết HĐND như: nhóm tượng đài Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với lễ đài; quảng trường, đền thờ Hồ Chủ tịch, bảo tàng tổng hợp; khu nhà điều hành đón tiếp..., báo cáo gửi Thủ tướng còn "xuất hiện thêm" một số hạng mục mới gồm: diện tích đất để xây dựng trụ sở làm việc của HĐND, UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Sơn La phải di chuyển ra khỏi khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.
Ngoài ra, còn có cả khu đô thị (ở và dịch vụ); hệ thống giao thông, khuôn viên cây xanh, hệ thống cấp điện, cấp thoát nước, các công trình công cộng khác...; bồi thường giải phóng mặt bằng và tái định cư.
"Đây mới chỉ là đề án với khái toán tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỷ đồng. Trong đó xây dựng tượng đài Bác Hồ khoảng 200 tỷ đồng", báo cáo nêu. Theo đó, nguồn vốn sẽ được cân đối lấy từ: ngân sách nhà nước, vốn chỉnh trang đô thị, khai thác từ quỹ đất và huy động vốn xã hội hoá...
16h chiều 5/8, UBND tỉnh Sơn La tổ chức họp báo để thông tin về đề án xây dựng tượng đài và quảng trường.
Quỳnh Trang