Tại buổi tiếp xúc của đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trước kỳ họp thứ 10 với cử tri 2 quận Ba Đình và Tây Hồ chiều 12/10, nhiều cử tri đã phản ánh những bức xúc xung quanh dự án 8B Lê Trực.
Đại diện cho người dân phường Điện Biên, nơi có công trình 8B Lê Trực, ông Lê Hoa đặt vấn đề liệu có "ô dù" ở dự án này vì chủ tịch UBND phường vào kiểm tra, nhưng không được. Ông Hoa đề nghị Bộ Xây dựng cùng thành phố Hà Nội khẩn trương giải quyết những sai phạm trong xây dựng tại dự án trên.
Cử tri Nguyễn Hồng Toán (Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ) cho rằng, việc cho phép xây dựng tòa nhà "chình ình như thế là rất tắc trách, thiếu trách nhiệm". Thủ tướng đã chỉ đạo kiểm tra nhưng về phía thành phố Hà Nội, quận Ba Đình phải kiểm điểm chặt chẽ để tìm ra nguyên nhân sâu xa dẫn tới những sai phạm tại dự án.
“Giữa Ba Đình lịch sử, tòa nhà không những không đảm bảo cảnh quan, về mặt an ninh cũng không đảm bảo. Nơi diễn ra hàng loạt sự kiện chính trị của nhà nước, nếu để tòa nhà như vậy họ lợi dụng làm cái này, cái khác thì sao”, Chủ tịch Hội Luật gia quận Tây Hồ đặt câu hỏi.

Tòa nhà 8B Lê Trực nhìn từ sảnh nhà Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Nhật Quang.
Đánh giá công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn còn yếu kém, trong đó công trình với nhiều sai phạm 8B Lê Trực là điển hình, cử tri Nguyễn Hữu Y (phường Thụy Khuê, Tây Hồ) còn dẫn chứng 2 ngôi nhà trên vỉa hè đường Hoàng Hoa Thám (phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) đã tồn tại nhiều năm vẫn chưa được các cấp giải quyết dứt điểm, làm nhân dân bức xúc.
“Thành phố đang triển khai chỉ thị 01 về năm trật tự văn minh đô thị, các phường làm rất nghiêm, xử lý từ biển quảng cáo, nhưng 2 ngôi nhà này vẫn tồn tại. Tôi cho rằng thành phố phải cùng quận, phường xử lý dứt điểm”, ông Y kiến nghị.
Giải đáp ý kiến của cử tri, ông Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thực hiện năm trật tự văn minh đô thị, thành phố đã tập trung vào một số lĩnh vực và đã có chuyển biến. Tuy nhiên, cũng có những hạn chế.
Liên quan đến 8B Lê Trực, ông Khanh cho hay thành phố đã có văn bản báo cáo Thủ tướng và chỉ đạo xuống đến các sở ngành liên quan để xử lý sai phạm.
“Có bác hỏi trách nhiệm đó của ai, giải quyết thế nào, tôi chỉ nói rất gọn. Đó là 8B Lê Trực qua kiểm tra đã xác định vi phạm của chủ đầu tư, xây dựng vượt tầng, xây dựng sai quy hoạch. Gần đây nhất khi thành phố làm việc, chủ đầu tư đã chính thức nhận trách nhiệm và gửi văn bản xin lỗi Thủ tướng, thành phố và các ban ngành vì vi phạm của mình. Họ cam kết khắc phục vi phạm qua việc dỡ hạng mục vi phạm”, Phó chủ tịch Hà Nội nói.
Về trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan, ông Khanh cho hay “có trách nhiệm quản lý nhà nước từ các sở ngành liên quan cho đến quận, phường trong việc này” và thành phố đang giao Giám đốc Sở Xây dựng phối hợp với quận Ba Đình chỉ đạo xem xét xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.
Sở Xây dựng Hà Nội vừa báo cáo thành phố về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại tòa nhà 8B Lê Trực. Theo đó ngày 8/10, Sở Xây dựng và UBND quận Ba Đình chủ trì tổ chức các cuộc họp để giải quyết vi phạm trật tự xây dựng tại địa chỉ số 8B Lê Trực với các đơn vị liên quan, trong đó có Công ty cổ phần may Lê Trực. Cuộc họp đã kết luận: UBND quận Ba Đình ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo thẩm quyền đối với vi phạm trật tự xây dựng tại công trình Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê tại số 8B Lê Trực, quận Ba Đình; Yêu cầu chủ đầu tư nhà 8B Lê Trực lập phương án phá dỡ công trình vi phạm, thẩm tra, phê duyệt phương án phá dỡ và báo cáo Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình chậm nhất trước ngày 15/10 (trong đó phải nêu rõ thời gian bắt đầu tiến hành tự tháo dỡ, tiến độ thực hiện). Việc phá dỡ phải đảm bảo theo quy định và theo các nguyên tắc: bảo đảm an toàn trong quá trình phá dỡ, đảm bảo an toàn cho người và công trình lân cận; bảo đảm vệ sinh môi trường; việc phá dỡ phải được giám sát để ngăn chặn những rủi ro có thể xảy ra. Theo kết quả kiểm tra công trình 8B Lê Trực của liên ngành thành phố Hà Nội, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm. Theo giấy phép, công trình cao đến đỉnh tum thang là 53 m, nhưng đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69 m (vượt 16 m, tương đương 5 tầng). Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng là gần 30.000 m2, tuy nhiên chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng trên 6.000 m2 so với giấy phép. |
Võ Hải