Tại phiên thảo luận tình hình kinh tế xã hội sáng 1/11, đại biểu Nguyễn Văn Tiên - Tiền Giang, đề nghị Bộ Y tế và các Sở Y tế nghiêm túc với những gì đã xảy ra, xử lý cán bộ công khai để làm gương. Dẫn ra vụ ăn bớt vacxin tại Hà Nội khiến người vi phạm bị xử lý công khai là đuổi việc, ông Tiên cho rằng, những trường hợp vi phạm y đức phải đuổi hẳn khỏi ngành y. "Có thế chúng ta mới răn đe được những người coi thường bệnh nhân", ông Tiên nhận định.
Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng cho rằng, mặc dù có những tiêu cực của y tế tư nhân song không nên "vơ đũa cả nắm" để làm ảnh hưởng việc phát triển y tế tư nhân. Bởi thực tế hiện nay rất nhiều nước có 80 - 90% là bệnh viện tư nhân nhưng vẫn đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt cho bệnh nhân.
Nêu thực trạng quá tải ở bệnh viện công, đại biểu Nguyễn Cao Phúc, Quảng Ngãi, cho rằng, tình trạng quá tải, các tai biến trong điều trị, lập khống kết quả xét nghiệm đã gây bức xúc cho nhân dân. Theo ông, nguyên nhân là do có một số bác sĩ giảm sút về y đức, bên cạnh đó là chưa có cơ chế hiệu quả để thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực y tế dẫn đến bệnh viện công quá tải, gây áp lực cho bác sĩ và đây cũng là "nguyên nhân sinh ra nhũng nhiễu và hách dịch".
Đại biểu Đồng Hữu Mạo, Thừa Thiên - Huế, nêu dẫn chứng, tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 Tam Hiệp - Hà Nội, ông đã chứng kiến cảnh một giường ghép nhiều bệnh nhân, các phòng chỉ chừa một lối đi rất nhỏ nhưng vẫn không đủ chỗ nên nhiều bệnh nhân phải kê giường ra ngoài hành lang để nằm.
"Có phải đất nước chúng ta quá nghèo nên không có tiền để xây bệnh viện đủ chỗ cho bệnh nhân?", ông Mạo nêu câu hỏi.
Theo đại biểu này, giảm tải bệnh viện phải là một trong những nhiệm vụ cần ưu tiên. Nhà nước không thể nói với nhân dân là vì nghèo nên không thể xây đủ chỗ nằm cho bệnh nhân. Bởi vì ai cũng thấy các cơ quan công sở nhà nước được xây dựng khang trang. Nhiều công sở sang hơn cả khách sạn hạng sang.
"Tôi đề nghị trích một phần trái phiếu Chính phủ để giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện", đại biểu Mạo phát biểu.
Đoàn Loan