Quy chế thực hiện kỷ cương hành chính và văn hóa công sở tại Văn phòng UBND thành phố Hà Nội được Chánh văn phòng Nguyễn Thịnh Thành ký ngày 29/5.
Theo đó, công chức văn phòng phải nhã nhặn, lắng nghe ý kiến, giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến giải quyết công việc. Khi giao tiếp qua điện thoại, cần trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc; không ngắt điện thoại đột ngột.
Trừ trường hợp được sự đồng ý của lãnh đạo cơ quan vào các dịp liên hoan, lễ tết, tiếp khách ngoại giao, các hành vi mà công chức Hà Nội bị cấm là hút thuốc lá trong phòng họp và nơi công cộng; sử dụng đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc tại công sở; không được đánh bạc, đánh cờ, chơi game hoặc chơi thể thao trong giờ làm việc.
Kết quả cuộc điều tra thực trạng văn hóa ứng xử tại các cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, nơi công cộng và khu dân cư ở Hà Nội, do Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Sở Văn hóa Hà Nội thực hiện mới đây cho thấy, 88% người được hỏi cán bộ lãnh đạo có hành vi ứng xử không phù hợp; 95% cho rằng công chức, viên chức ứng xử không phù hợp.
“Bệnh thành tích”, “tham nhũng” và “thiên vị” là những hành vi bị người dân phản ánh nhiều nhất về đội ngũ cán bộ, lãnh đạo.
Ngoài ra, số liệu cũng thể hiện công chức, viên chức ở các cơ quan hành chính còn dĩ hòa vi quý, bớt xén thời gian làm việc (đi muộn về sớm); có tâm lý sợ đấu tranh; ghen ghét, đố kỵ với người hơn mình; nịnh trên, nạt dưới; bè phái cục bộ; dối trá; nói không đi đôi với làm; đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; ích kỷ, vụ lợi cá nhân.
Những người được lấy ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính gây nên những hành vi ứng xử không phù hợp trong các cơ quan hành chính Hà Nội là do việc đánh giá chất lượng cán bộ còn thiên vị, cào bằng; cơ chế tuyển dụng, bố trí không đúng người, đúng việc; kỷ luật còn mang tính hình thức; khen thưởng, bình bầu thi đua không công bằng và điều kiện làm việc không tốt...
Minh Minh