Đây là lần thứ ba Việt Nam công bố tài liệu này. Hai lần trước là vào các năm 1998 và 2004.
![]() |
Phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh của Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2009. Ảnh: Minh Long. |
Tại cuộc họp báo ngày 8/12, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2009 nêu rõ những quan điểm cơ bản của chính sách quốc phòng Việt Nam, cơ chế lãnh đạo và quản lý quốc phòng; cơ cấu Bộ Quốc phòng; tổ chức và phương hướng xây dựng Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ vững mạnh toàn diện.
Sách trắng Quốc phòng cũng đề cập đến chính sách hợp tác quốc phòng, thể hiện mong muốn tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa quân đội và nhân dân Việt Nam với quân đội và nhân dân các nước nhằm đẩy mạnh hợp tác vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Sách trắng nêu rõ những điểm nổi bật về tình hình an ninh thế giới, khu vực, trong nước và các thách thức đối với quốc phòng Việt Nam; nhấn mạnh xu thế hòa bình và hợp tác trong quan hệ quốc tế.
Theo Sách trắng, ngân sách dành cho quốc phòng của Việt Nam năm 2008 là hơn 27 nghìn tỷ đồng, tương đương 1,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tổng quân số thường trực hiện nay là 450 nghìn người.
![]() |
Bộ đội Việt Nam luyện tập. Ảnh: QĐND. |
Sách trắng cũng cung cấp thông tin đầy đủ về cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng, các quân chủng và binh chủng. Những thay đổi lớn về quốc phòng trong 5 năm qua cũng được nêu trong Sách trắng - như luật sĩ quan sửa đổi năm 2008, chế độ nghĩa vụ quân sự 18 tháng.
Lần đầu tiên chính sách hợp tác quốc phòng trên nhiều lĩnh vực cụ thể được nêu rõ trong các mục riêng. Sách trắng đề cập tới các chính sách cụ thể của Việt Nam trong một số lĩnh vực quan trọng như ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, diễn tập cứu hộ, cứu nạn...
Phần phụ lục cung cấp thông tin nhiều thông tin hữu ích về tùy viên quốc phòng Việt Nam tại nước ngoài, các học viện và nhà trường chủ yếu của quân đội, các khu kinh tế - quốc phòng, danh sách các tổng công ty lớn của quân đội, các hiệp định liên quan đến biên giới lãnh thổ.
![]() |
Tướng Vịnh trong cuộc họp công bố Sách trắng Quốc phòng 2009. Ảnh: Reuters. |
Được hỏi về tình hình Biển Đông, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: "Tranh chấp chủ quyền trên biển Đông đặt ra những thách thức mới cho quốc phòng Việt Nam. Nhưng theo tôi, tình hình phức tạp trên biển Đông không dẫn đến một cuộc xung đột về quân sự".
Tướng Vịnh nêu ba nguyên nhân lý giải cho nhận định của ông. Thứ nhất, nguyện vọng chung của thế giới và khu vực là tránh xung đột vũ trang. Thứ hai, thế giới ngày càng văn minh hơn và hệ thống luật pháp quốc tế - như Công ước LHQ về luật biển (1982) - ngày càng chặt chẽ. Thứ ba, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam là kiên trì giải quyết vấn đề Biển Đông bằng đối thoại hòa bình.
Việt Nam sẽ kiên trì và quyết tâm giữ vững chủ quyền lãnh thổ trên cơ sở luật pháp quốc tế và tình đoàn kết hữu nghị, tướng Vịnh khẳng định.
Chính sách quốc phòng của VN là không đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trước trong quan hệ quốc tế nhưng sẵn sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược. VN giữ chủ trương nhất quán về giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ bằng các biện pháp hòa bình và trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đối với chủ quyền trên biển (trong đó có 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa), mặc dù có đầy đủ bằng chứng chứng minh chủ quyền, VN vẫn sẵn sàng đàm phán hòa bình để giải quyết tranh chấp dựa trên Công ước Luật biển 1982. VN chủ trương không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ của mình để chống lại nước khác. Hiện, VN đã có quan hệ quốc phòng chính thức với 65 nước trong đó có các cường quốc trên thế giới; thiết lập tùy viên quốc phòng tại 31 nước và đã có 42 nước thiết lập tùy viên quốc phòng tại VN. |
Minh Long