- Thưa ông, hiện nay còn bao nhiêu liệt sĩ chưa xác định được thông tin?
Ông Đào Ngọc Lợi, Cục phó Người có công. Ảnh: Hoàng Phương. |
- Chính phủ phê duyệt 2 đề án là tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo (Đề án 1237) do Bộ Quốc phòng triển khai. Còn lại là Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150) do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì. Hàng năm, Bộ Quốc phòng quy tập hàng nghìn hài cốt liệt sĩ về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước. Bộ Lao động tiếp nhận mẫu hài cốt còn thiếu thông tin để phân tích, lưu trữ ADN phục vụ công tác xác định danh tính liệt sĩ.
Đến nay, còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về các nghĩa trang, nằm rải rác ở các tỉnh phía Nam và ở nước bạn Lào, Campuchia. Ngoài ra, có trên 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập và an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ còn thiếu thông tin. Như vậy, tổng số liệt sĩ chưa xác định được thông tin là hơn 500.000. Hài cốt liệt sĩ thiếu thông tin có 2 dạng: thiếu hoàn toàn (liệt sĩ chưa biết tên); thiếu một phần, chỉ có quê, chỉ có đơn vị hoặc chỉ còn tên mà không có bất kỳ thông tin nào khác.
- Mục tiêu của Đề án 150 do Bộ Lao động chủ trì đến năm 2015 sẽ tìm kiếm và trả lại tên cho các liệt sĩ, trong đó có 3.000 hài cốt được xác minh bằng phương pháp thực chứng và 10.000 hài cốt thông qua xét nghiệm ADN. Đến nay, kết quả thực hiện của Đề án ra sao?
- Đến nay, đề án đã thực chứng, khớp nối thông tin 1.944 trường hợp. Trong đó có 1.637 trường hợp căn cứ vào thông tin của thân nhân liệt sĩ, đơn vị, đồng đội và hồ sơ quy tập để đính chính thông tin trên bia mộ. Bộ phối hợp với chương trình Trở về từ ký ức xác định được danh tính 307 liệt sĩ. Trong quá trình thực chứng, thông tin liệt sĩ được xác định đúng 100% và không có sai sót. Những trường hợp nghi ngờ, chúng tôi yêu cầu lấy mẫu để giám định ADN.
Bằng phương pháp giám định ADN, đề án đã lấy được gần 9.000 mẫu hài cốt và hơn 2.200 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, chuyển cho các đơn vị giám định để phân tích, đối chiếu theo nguyện vọng của thân nhân liệt sĩ; lấy gần 5.500 mẫu hài cốt liệt sĩ tại các nghĩa trang được nâng cấp, sửa chữa và các liệt sĩ mới được quy tập tại các địa phương để tách chiết. Kết quả phân tích được lưu giữ tại 3 đơn vị giám định để phân tích, so sánh đối chiếu để tìm ra thông tin liệt sĩ.
Những kết quả phân tích ADN được lưu giữ để phục vụ công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Việc giám định ADN gặp khá nhiều khó khăn, do số lượng mẫu hài cốt phải phân tích quá lớn, khoảng trên 500.000. Thời gian chôn cất hài cốt quá dài nên bị phân hủy, chất lượng ADN lưu lại kém. Có những liệt sĩ không còn thân nhân để lấy mẫu theo dòng mẹ. Trong quá trình phân tích và tạo cơ sở dữ liệu cũng ngẫu nhiên có sự trùng lặp về ADN tinh thể của các mẫu phân tích nhưng tỷ lệ này không lớn. Hiện nay, chúng ta cũng chưa có ngân hàng gene để lưu giữ và so sánh kết quả mẫu phân tích ADN và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ nên tiến độ phân tích ADN rất chậm.
- Hiện nay, gia đình liệt sĩ đi tìm mộ rất thiếu thông tin, bị động, chính việc đó dẫn đến họ đi tìm các nhà ngoại cảm, vụ "cậu Thủy" là minh chứng rõ nhất. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Trước năm 2011, do các thân nhân liệt sĩ nôn nóng muốn tìm mộ nhưng thiếu thông tin về liệt sĩ nên tin tưởng và nhờ vào một số người tự xưng là có khả năng đặc biệt gọi là nhà ngoại cảm. Vì vậy, có nhiều thân nhân liệt sĩ bị các đối tượng trên lừa đảo.
Trước tình hình đó, Bộ Lao động đã thực hiện thí điểm việc xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng giám định ADN. Từ kết quả đạt được, Bộ đã trình Thủ tướng phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Từ đó đến nay đã xác định được hàng nghìn danh tính liệt sĩ để báo tin cho thân nhân. Do vậy, các gia đình hầu như không còn tìm đến các nhà ngoại cảm để nhờ tìm hài cốt nữa.
Thân nhân liệt sĩ nếu muốn biết thông tin về đơn vị, nơi hy sinh có thể liên hệ trực tiếp với Sở Lao động hoặc Bộ chỉ huy quân sự các tỉnh, thành phố. Trong trường hợp gia đình muốn tự đi tìm kiếm thì nên căn cứ vào thông tin trên giấy báo tử, trích lục quân nhân hy sinh, mất tin, mất tích trong chiến tranh do Bộ Quốc phòng cấp để định hướng địa danh, đi tìm hài cốt liệt sĩ.
- Thời gian tới, Bộ sẽ làm gì để đẩy nhanh tiến độ xác minh liệt sĩ còn thiếu thông tin?
- Chúng ta đã biết, công việc tìm kiếm, xác minh hài cốt liệt sĩ phải tiến hành nhanh vì càng để lâu thì càng khó thực hiện. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng thực chứng và giám định ADN. Hiện nay, Bộ Lao động phối hợp với 5 đơn vị thực hiện việc giám định ADN hài cốt liệt sĩ, gồm: Viện Pháp y quân đội (Bộ Quốc phòng); Viện Kỹ thuật hóa sinh và tài liệu nghiệp vụ (Bộ Công an), Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ); Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền; Công ty cổ phần công nghệ cao Gene Việt.
Bộ cũng phối hợp với 2 đơn vị thực hiện xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng. Đó là chương trình Trở về từ ký ức của Đài truyền hình Việt Nam và Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ MARIN.
Ngoài ra, Bộ luôn cập nhật thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch lấy mẫu hài cốt còn thiếu thông tin ở các nghĩa trang và mẫu sinh phẩm thân nhân chưa biết phần mộ liệt sĩ để phân tích và lưu giữ kết quả giám định AND, phục vụ công tác xác định danh tính.
Hoàng Phương thực hiện