Chiều 1/9, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm thực hiện quy chế giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư.
Ông Lý Ngọc Thạch - Trưởng ban Dân chủ Pháp luật của MTTQ TP HCM nêu khó khăn trong việc giám sát kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên, do bản kê khai chỉ niêm yết tại công sở nên người dân nơi cư trú không biết cán bộ đó đã kê khai những gì.
"Có những cán bộ cấp cao khi về tới nhà thì kín cổng cao tường. Họp tổ dân phố các vị ấy không đi, cử người giúp việc đi. Như vậy thì sao dân giám sát được?", ông Thạch nói.
Ông Thạch cũng nêu thực trạng có những cán bộ, đảng viên mua bất động sản ở khu đắt tiền để sinh sống như Phú Mỹ Hưng nên Mặt trận không thể giám sát.
"Việc giám sát chỉ nắm người có tóc, với lãnh đạo cấp cao thì rất khó khăn. Quy định giám sát người đứng đầu cũng khó khả thi, như Mặt trận TP HCM, nếu giám sát người đứng đầu là Bí thư thành uỷ, giám sát như thế nào? Không thể nói là báo cáo anh Bí thư, tụi em chuẩn bị giám sát anh", ông Thạch nói.
PGS Bùi Xuân Đức - Giám đốc Trung tâm Công tác lý luận của Mặt trận cho rằng, hiện nhiều người hiểu sai vai trò của Mặt trận, xem đây là cơ quan hỗ trợ công tác giám sát của nhà nước, trong khi đây là chức năng chính của cơ quan này.
Ông Đức đề xuất giao Mặt trận chức năng bỏ phiếu tín nhiệm cán bộ thay vì Quốc hội và Hội đồng nhân dân như quy định hiện hành.
Theo Trưởng ban Dân chủ Pháp luật MTTQ tỉnh Ninh Bình Đinh Trường Sơn, địa phương này từng giám sát cán bộ bằng cách lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu. Cụ thể, ngoài các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND, HĐND; Ninh Bình còn mở rộng lấy phiếu tín nhiệm nhân sự ngành địa chính, tài chính, thương binh xã hội, văn hóa.
Sau ba năm thực hiện (2007-2009), việc lấy phiếu tín nhiệm lại thu hẹp về các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch như nêu trên, vì có nhiều ý kiến cho rằng lấy phiếu tín nhiệm rộng như vậy là vi phạm Luật Cán bộ, công chức.
"Việc lấy phiếu tín nhiệm phát huy tác dụng tích cực. Có vị lãnh đạo tỉnh khi lấy ý kiến ứng cử đại biểu Quốc hội, bị cử tri nhận xét là lãnh đạo đó không tham gia sinh hoạt khu phố, sống kín cổng cao tường", ông Sơn kể.
Năm 2006, Chính phủ và Uỷ ban trung ương MTTQ VN ban hành Nghị quyết liên tịch về quy chế “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”. Đối tượng giám sát gồm cá nhân làm việc tại cấp xã; cư trú ở khu dân cư nhưng công tác ở nơi khác và cá nhân công tác tại tổ chức đóng trên địa bàn xã, khu dân cư...
Nội dung giám sát từ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của Đảng, Nhà nước cho đến thiếu trách nhiệm phục vụ nhân dân, sách nhiễu, gây phiền hà khi giải quyết các công việc của dân...
Cuộc toạ đàm nêu trên một trong các bước góp ý để hoàn thiện đề án "Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên".