![]() |
Nhà vệ sinh hiện có ở Hồ Gươm. |
PGS Hà Đình Đức, Hội Bảo vệ thiên nhiên môi trường thủ đô: "Nên hủy bỏ dự án xây dựng công trình ngầm này".
Nhu cầu vệ sinh cho khách vãng lai đúng là cần thiết, nhưng muốn xây dựng gì trong khu vực này cũng phải thận trọng. Nếu không, sẽ xúc phạm văn hoá cả nước. Bởi Hồ Gươm là khu vực linh thiêng và là trái tim của cả nước. Nhà vệ sinh ngầm dứt khoát sẽ ảnh hưởng tới cảnh quan, vệ sinh môi trường. Xung quanh 3 nhà vệ sinh hiện nay có rất nhiều đối tượng nghiện ngập tiêm chích, kim tiêm rơi cả xuống hồ. Theo tôi không phải là tạm ngưng xây dựng mà là hủy bỏ luôn dự án này.
Ông Lê Trung Dũng, Phó phòng tổ chức lao động, Công ty môi trường đô thị: "Xây thêm nhà vệ sinh là đúng nhưng xây bên cạnh Hồ Gươm thì không nên".
Hiện Hà Nội rất thiếu nhà vệ sinh công cộng đặt trên các tuyến đường (chỉ có 24 điểm). Việc Sở GTCC xây thêm là đúng, nhưng xây ngay bên Hồ Gươm, nơi không gian kiến trúc tôn nghiêm như vậy là không hợp lý, bởi chúng sẽ phá vỡ mỹ quan đô thị. Hơn nữa, nếu xây ngầm thì liệu hệ thống thoát nước có đảm bảo, hay là lại gây tình trạng ô nhiễm.
Các nhà vệ sinh hiện có đã rất khó quản lý, luôn bị người dân kêu ca là bốc mùi hôi thối, là tụ điểm của các con nghiện và gái mại dâm... Nay xây thêm 3 cái tương tự thì chỉ tồi tệ hơn. Theo tôi, nên học tập nước ngoài, xây nhà vệ sinh ngầm bên dưới các công trình công cộng, tụ điểm giải trí để vừa đỡ tốn diện tích, vừa không mất mỹ quan.
Ông Trịnh Việt Hùng, nhà số 25, ngõ 117, Thái Hà, quận Đống Đa: "Quyết định ngưng thi công của UBND thành phố thật sáng suốt".
Sống ở Hà Nội đã bao nhiêu năm, thỉnh thoảng đi qua Hồ Gươm, tôi không khỏi buồn khi thấy nhà vệ sinh công cộng ở đối diện bưu điện Hà Nội bẩn quá, bốc mùi rất khó chịu. Vì vậy, khi nghe UBND quyết định tạm ngưng xây thêm nhà vệ sinh ngầm, tôi rất mừng.
Dù Sở GTCC trình bày rằng công trình mới được xây ngầm với thiết kế hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường, nhưng nói là một chuyện còn thực tế thì chắc gì đã tốt. Hà Nội đã có quá nhiều công trình bớt xén vật tư, làm giảm tuổi thọ (như nhà hát Chèo T.Ư chẳng hạn). Hố xí ngầm chỉ cần bớt chút ximăng là đã rò rỉ và hậu quả thật khó lường.
Theo tôi, để đảm bảo vệ sinh chung, bảo vệ Hồ Gươm, nên đẩy các công trình đó ra phố Lò Sũ, Hàng Hành, Cầu Gỗ và tốt nhất là giao cho tư nhân quản lý. Họ sẽ kinh doanh loại dịch vụ này và chắc chắn là hiệu quả hơn nhà nước.
Chị Phan Bích Vân, Trung tâm điều hành Công ty du lịch & thương mại tổng hợp Thăng Long: "Chẳng nên lãng phí tiền xây thêm nhà vệ sinh mới".
Số tiền đó dành để nâng cấp những khu vệ sinh cũ thì hợp lý hơn. Khách du lịch đến Hà Nội khá đông, thường xuyên qua Hồ Gươm và đang phải sử dụng dịch vụ vệ sinh khá kém. Họ không tỏ ra ngạc nhiên hay chê trách vì đây là vấn đề tế nhị, và có thể họ nghĩ đó là "chuyện thường" ở Việt Nam.
Hiện tượng các đối tượng nghiện ma túy vào nhà vệ sinh chích hút rất phổ biến, những người trông coi biết, nhưng thả lỏng hoặc không làm gì được cũng là vấn đề cần phải xem xét khi muốn xây thêm "tụ điểm".
Ông Bùi Xuân Dũng, Phó giám đốc Sở GTCC Hà Nội: "Rất cần thiết phải xây dựng nhà vệ sinh ngầm".
Để xây dựng công trình này, chúng tôi phải chuẩn bị từ 2 năm trước, tham khảo rất nhiều công ty tư vấn thiết kế, cả tư vấn nước ngoài. Nhà vệ sinh ngầm được thiết kế hiện đại, có hệ thống thông gió, nước thải phải qua bể phốt mới chảy ra ngoài cống chứ không đổ vào hồ. Như thế sẽ chẳng ảnh hưởng đến cảnh quan kiến trúc, vệ sinh môi trường. Thậm chí, Sở còn cẩn thận đến mức giao thầu theo phương án chìa khóa trao tay, tức là Công ty xây lắp công nghiệp (đơn vị xây dựng) phải chịu trách nhiệm đến cùng cho công trình, làm xong mới giao tiền.
Trong tương lai xung quanh Hồ Gươm sẽ có 4 nhà vệ sinh ngầm, bỏ những nhà nổi hiện có. Theo tôi, rất cần thiết phải xây dựng nhà vệ sinh ngầm, song hết sức đảm bảo mỹ quan. Phương án lùi nhà vệ sinh sang bên kia hồ là không khả thi. Vì đất bên đó rất đắt, tới 30 cây vàng/m2, nếu xây một nhà vệ sinh rộng khoảng 40 m2 cần tới 120 cây, ngân sách thành phố làm sao chịu nổi.
Công trình vệ sinh ngầm đầu tiên ở Hồ Gươm do Công ty xây dựng công nghiệp (Sở Xây dựng Hà Nội) lập hồ sơ thiết kế và thi công, Ban quản lý dự án duy tu giao thông đô thị (Sở GTCC thành phố) làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, với 60 m2 diện tích sử dụng, công trình ngầm sâu 4,5 m gồm các phòng vệ sinh công cộng với thiết bị hiện đại và các khoang kỹ thuật. Phần nổi 0,6 m có dáng tròn, mái che hình nấm, sẽ kết hợp làm bồn hoa, cây cảnh như hiện nay. Quy mô các phòng gồm 3 ngăn xí, 5 tiểu nam và 2 ngăn xí, 3 tiểu nữ; có cửa ngăn đảm bảo. Chiều cao thông thủy 2,5 m. Hệ thống chiếu sáng gồm cả đèn và nguồn sáng tự nhiên. Nhà vệ sinh ngầm được xây dựng một bể phốt, chất thải được xử lý ngay thông qua bể chứa lọc, lắng và dùng hệ thống bơm cưỡng bức vào mạng cống thải của thành phố. Hệ thống thông gió sẽ đi qua cột của đèn chiếu sáng và lỗ thoát khí này đảm bảo vượt tầm nhà, không gây ảnh hưởng môi trường. Khi công trình hoàn tất và được đưa vào sử dụng, sẽ thu phí và bố trí bãi giữ xe. (Ban quản lý dự án duy tu giao thông đô thị - Sở GTCC thành phố Hà Nội) |
Như Trang - Mai Hương thực hiện