Trao đổi với VnExpress, ông Lương Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, theo báo cáo của ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động Nghệ An, trên địa bàn tỉnh xuất hiện đối tượng cò mồi tung tin Bộ Lao động đang mở các lớp bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho lao động đi làm việc tại Hàn Quốc để thu tiền trái quy định. Sự việc tương tự cũng diễn ra ở một số tỉnh như Hà Tĩnh, Thái Bình. "Đây là thông tin không chính xác, trung tâm cảnh báo để người lao động cảnh giác", ông Long khẳng định.
Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước giải thích, Việt Nam và Hàn Quốc mới chỉ đi đến thống nhất ký kết Thỏa thuận về việc tiếp tục thực hiện quy trình đưa lao động sang Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS) và đặt ra mục tiêu ký kết Bản ghi nhớ đặc biệt để giải quyết những lao động tồn đọng hồ sơ trên mạng.
Từ khi Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động mới của Việt Nam (tháng 8/2012) đến nay, thị trường này chỉ tiếp nhận trở lại 2 đối tượng: lao động hết hạn hợp đồng về nước đúng hạn, vượt qua đợt kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính và các lao động mẫu mực, chỉ làm việc cho một chủ trong suốt thời gian làm việc tại Hàn Quốc (đối tượng này không phải kiểm tra tiếng Hàn). Cả 2 đối tượng đều phải ký quỹ 100 triệu đồng.
Thời gian vừa qua, gần 4.000 lao động thuộc diện này đã được trở lại Hàn Quốc làm việc, trong đó riêng năm 2013 là hơn 2.600 người. 35 lao động thực hiện ký quỹ đầu tiên đã quay lại thị trường Hàn Quốc ngày 25/11. Đến ngày 4/12, 121 lao động khác đã hoàn thành việc ký quỹ cũng sẽ xuất cảnh.
Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS từ tháng 8/2004. Từ đó đến nay, đã có trên 71.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc. So với 14 quốc gia phái cử khác, Việt Nam luôn dẫn đầu về tỷ lệ lao động được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn.
Tuy nhiên, vấn đề người lao động sau khi hết hạn hợp đồng không về nước, ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc phát sinh từ cuối năm 2010. Phía Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm tỷ lệ này nhưng chưa có kết quả tích cực. Thực trạng này khiến Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc quyết định ngừng ký gia hạn Bản ghi nhớ đã hết hạn vào ngày 29/8/2012 và ngừng tiếp nhận mới lao động Việt Nam.
Sự kiện này khiến hơn 11.000 người lao động đạt yêu cầu qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn cuối tháng 12/2011 và những lao động đã tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn trên máy tính cuối tháng 8/2012 không được giới thiệu để chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn.
Hoàng Thùy