Nội dung chính của đoạn clip tập trung giải thích 'Vì sao Việt Nam lại được hình dạng chữ S như bây giờ? Để giữ được chữ S đó Việt Nam đã trải qua những gì?'. |
Xuất hiện trên YouTube hôm 6/1, đồ án tốt nghiệp cử nhân ngành Đồ họa ứng dụng (Graphic Design) thu hút 77.000 lượt người xem và hơn 9.000 người thích. Tác phẩm của nhóm sinh viên ĐH Công nghệ Sài Gòn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng và được chia sẻ khắp các diễn đàn.
Clip: Lịch sử xây dựng và bảo vệ lãnh thổ Việt Nam |
Nhóm sinh viên cho hay, làm clip dạng Inforgraphic nhằm giới thiệu "một hướng tiếp cận trong việc truyền tải và cảm thụ kiến thức môn Lịch sử Việt Nam đến giới trẻ". Nội dung chính của đoạn clip tập trung giải thích "Vì sao Việt Nam lại có hình dạng chữ S như bây giờ? Để giữ được chữ S đó Việt Nam đã trải qua những gì?". Hình họa sống động, âm thanh cuốn hút khiến nội dung lịch sử dựng nước và mở rộng bờ cõi, chống xâm lăng của cha ông trở nên cuốn hút.
Theo nhóm sinh viên trên, Việt Nam có lịch sử hơn 4.000 năm dựng và giữ nước, là một trong những cái nôi của loài người. Bởi thế, tư liệu về lịch sử Việt Nam là một kho tàng khổng lồ không phải ai cũng tiếp cận, xem, nghiên cứu hết được.
"Đồ án này cũng vậy, không là ngoại lệ. Vì vậy, nếu có bất cứ thông tin nào trong clip bạn cảm thấy không chính xác mong nhận được sự góp ý và thông cảm", Tố Đào - người lên ý tưởng, kịch bản và thiết kế bày tỏ.
Trong clip minh họa, nếu trái đất được ví như trái cam thì Việt Nam chỉ như một hạt cam nhỏ xíu. |
Trước thiện chí đầy khiêm tốn của tác giả, các bình luận đều tỏ ra tự hào và trầm trồ khen "rất hay", "quá tuyệt vời", "ý nghĩa", "design đẹp" và "phần nhạc hơi lỏng lẻo nhưng animation và nội dung quá ngon". Phần lớn bình luận cho rằng clip dài 10 phút mà tóm lại được kiến thức của mấy năm trời học lịch sử.
"Hay quá! Nếu học sinh phổ thông được dạy Lịch sử bằng những đoạn video như thế này thì đã chẳng có chuyện học sinh học dốt lịch sử như bây giờ. Cảm ơn bạn nhiều", nickname Bluewhale1015 viết.
Thích thú không kém, Nguyễn Lan Hương chia sẻ: "Clip hay quá. Ngày xưa học Lịch sử mà được xem clip như này thay vì đọc sách giáo khoa thì tuyệt". Xem xong clip "Lịch sử xây dựng và bảo vệ lãnh thổ Việt Nam", một nickname thốt lên: "Giờ mình mới hiểu được lịch sử của từng địa phận và lãnh thổ Việt Nam". Nhận mình là người am hiểu lịch sử nước nhà, nickname Hoàng Đạt thẳng thắn: "Giờ mới biết về quá trình hình thành lãnh thổ chi tiết như thế".
Nhiều bình luận cho rằng, nội dung clip "quá ổn" và "không đưa vào giảng dạy môn lịch sử thì hơi phí". Một số người còn dự định "sau này cho con học những clip như thế mới dễ nhớ, dễ hiểu, tổng quan, sinh động". Còn tunglamstudio còn mong được giúp các bạn sinh viên phần âm thanh cho hay hơn.
Một độc giả cho rằng, nhóm sinh viên tính nhầm thời kỳ Bắc thuộc là 13 năm. "Chỗ Bắc thuộc lần 4 các bạn có chút sai sót. Như mình biết thì Bắc thuộc lần 4 từ 1407 đến 1427, tức là 20 năm còn như trong clip là 1417 đến 1427 tức 10 năm", nickname bamboo831ht viết.
Hình minh họa hấp dẫn trong clip khiến người xem thích thú.. |
Theo Trần Lệ, nên đưa thêm nội dung chống quân Mông Nguyên, một thế lực rất mạnh thời nhà Trần vào clip. Bên cạnh những góp ý, một vài ý kiến cho rằng clip của nhóm Dương Tố Đào giống sản phẩm của một sinh viên Nhật Bản, "đoạn đầu hơi na ná clip Nhật Bản nhưng đoạn sau thì đậm chất Việt Nam".
"Clip có sao chép ý tưởng không đây, bố cục y như một clip do sinh viên người Nhật làm", độc giả Anh Hoang Tran nghi ngờ. Sau đó, nickname này cũng phải công nhận nội dung clip hay và "chỉ thắc mắc vì sao giống ý tưởng thôi nhưng cũng không thành vấn đề gì, miễn là truyền tải ý nghĩa hay và tốt đẹp là ok rồi". Nam Dương cũng ủng hộ: "Điều gì hay chúng ta học tập chứ không phải học theo".
Trước những tình cảm của độc giả gửi tặng, Dương Tố Đào bày tỏ: "Cảm ơn các bạn đã ủng hộ, mình biết clip còn nhiều điều chưa hoàn thiện mong mọi người thông cảm. Thời hạn hoàn thành đồ án tốt nghiệp của ngành mình tại trường là trong vòng 3 tháng, nên thời gian sau mình sẽ tranh thủ sửa lại những chỗ thiếu sót. Cảm ơn mọi người lần nữa".
Bình Minh