Ngày 14/3, biên đội tàu số 1 của Hải đội 2 (Bộ Tư lệnh Biên phòng Hải Phòng) bắt đầu chuyến biển nhằm thực hiện kế hoạch tuần tra kiểm soát chống buôn lậu và giám sát hoạt động nghề cá tại khu vực 2 vùng đánh cá chung giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thời tiết biển mù sương kèm theo mưa nhỏ khiến tầm nhìn bị hạn chế, có lúc 2 tàu cách khoảng 100 mét không nhìn rõ nhau.
Đến 15h20 ngày 31/3, biên đội nhận được nguồn tin tàu vỏ sắt sơn màu xanh số hiệu 13056, thành tàu ghi chữ Trung Quốc, không treo quốc kỳ, lưới đánh cá treo đầy trên tàu đang di chuyển trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, cách đường phân định vịnh Bắc Bộ 12 hải lý về phía Tây Nam đảo Bạch Long Vĩ.
Phán đoán nhanh đây là tàu Trung Quốc giả dạng tàu đánh cá xâm phạm chủ quyền biển của Việt Nam, thiếu tá Phạm Đình Thành, Phó Hải đội trưởng Hải đội 2 ra lệnh cho cả biên đội tăng tốc truy đuổi. Bị tàu biên phòng Việt Nam áp sát bất ngờ, tàu 13056 chuyển hướng bỏ chạy.
Sau 10 phút, tàu 13056 đã bị bắt giữ.
Kiểm tra hành chính, thuyền trưởng tàu Trung Quốc Đàm Thủy Dương (38 tuổi, trú tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) cùng 2 thuyền viên mang quốc tịch Trung Quốc không xuất trình được giấy tờ đăng ký, đăng kiểm phương tiện cũng như bằng cấp chuyên môn. 100.000 lít dầu không có giấy từ chứng minh hợp pháp.
Khai với nhà chức trách, thuyền trưởng Dương cho biết toàn bộ số dầu nói trên được vận chuyển từ đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào ngày 28/3 rồi hải hành xâm nhập vào vùng biển Việt Nam để tiếp nhiên liệu cho đội tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt thủy sản phi pháp tại đây. Tàu 13056 chưa kịp cấp dầu cho tàu cá nào thì bị biên phòng Hải Phòng bắt giữ.
Ngoài tàu chở dầu trên, trong chuyến tuần tra 17 ngày, biên phòng Hải Phòng đã xua đuổi 112 lượt tàu cá Trung Quốc, đồng thời lập biên bản cảnh cáo, phóng thích đối với 22 tàu cá vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.
Trao đổi với VnExpress, thượng tá Phạm Doãn Dưỡng, Chính trị viên Hải đội 2 cho biết, trước kia các tàu cá Trung Quốc đánh bắt thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam đều bị bắt giữ, kéo vào bờ. Tuy nhiên, những năm gần đây để thể hiện sự thiện chí của Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề trên biển dựa trên cơ sở pháp lý và mối quan hệ giữa các nước trong khu vực, biên phòng Hải Phòng nói riêng và biên phòng các tỉnh ven biển nói chung đều xua đuổi là chính. Chỉ những trường hợp cố tình vi phạm hoặc vi phạm nhiều lần sẽ bị lập biên bản cảnh cáo, rồi phóng thích luôn trên biển.
Trường hợp tàu vỏ sắt Trung Quốc số hiệu 13056 chở 100.000 lít dầu xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam có nhiều dấu hiệu bất thường nên sau khi xem xét, Bộ Tư lệnh biên phòng Hải Phòng quyết định áp tải cả người và phương tiện về đất liền phục vụ công tác điều tra, xử lý theo luật định.
Việc xử lý đối với tàu 13056 của Trung Quốc, Biên phòng Hải Phòng sẽ chờ đến khi có kết luận điều tra và ý kiến chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam. “Cả 3 thuyền viên Trung Quốc thấy sai nên nghiêm túc chấp hành. Tài sản trên tàu Trung Quốc vi phạm đều được lập biên bản ghi nhận chi tiết và bảo vệ cẩn thận”, thượng tá Dưỡng nói.
Theo số liệu từ Biên phòng Hải Phòng, trong 17 ngày tuần tra, kiểm soát trên biển, Biên đội tàu số 1, thuộc Hải đội 2 xua đuổi 112 lượt tàu cá Trung Quốc, đồng thời lập biên bản cảnh cáo, phóng thích đối với 22 tàu cá Trung Quốc đã vi phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam; lập biên bản nhắc nhở 4 tàu cá Trung Quốc có biển C (tức tàu được phép đánh bắt trong vùng phân định đánh cá chung giữa 2 nước Việt Nam- Trung Quốc) với các lỗi không treo quốc kỳ Việt Nam, không ghi nhật ký đánh bắt, các thuyền viên không giấy tờ tùy thân, không có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, không có giấy đăng ký, đăng kiểm chất lượng tàu. |