-
09h30
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương, Lâm Đồng cho biết, trước lo ngại các nạn nhân sau 48 giờ kẹt trong hầm thủy điện Đạ Dâng có thể tụt canxi, ngất đi, hôm nay, đội ngũ y bác sĩ được lệnh sẽ truyền cháo gà, sữa có các chất có dinh dưỡng cao và canxi vào bên trong.
"Lúc đầu mọi người nghĩ sẽ giải thoát họ trong thời gian ngắn nhưng việc cứu hộ quá khó khăn. Bổ sung canxi, chất dinh dưỡng cao để đảm bảo họ đủ sức khỏe chờ cứu hộ", ông Kỳ nói.
Cũng theo ông Kỳ, 3h sáng 18/12, lực lượng cứu hộ đã thực hiện thành công mũi khoan thứ 3 đến vị trí 12 nạn nhân bị mắc kẹt bên trong. Cả 3 mũi khoan đều chính diện ngay cửa hầm. Tuy nhiên, mũi khoan thứ 3 chọc vào, mọi người bên trong có thể ngủ nên vẫn chưa tiếp nhận để mở van. "Hiện chỉ mới bơm nước qua đường ống nhỏ ra ngoài. Sáng nay, lực lượng cứu hộ sẽ liên hệ với họ để mở van, thông đường ống lớn", ông Kỳ cho biết.
-
Có mặt tại hiện trường, ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu đơn vị cứu hộ cần nhanh chóng hơn nữa, phải huy động lực lượng để thay thế cho những người tham gia trong 48 giờ qua.
Trong khi đó, sáng nay, 45 cán bộ cứu hộ của Cảnh sát PCCC TP HCM đã có mặt chia thành nhiều nhóm, tiến hành tham gia cứu hộ ở tất cả các hướng. Theo nhóm cứu hộ trên đỉnh đồi, đêm qua khi khoan được 35 m đã gặp phải tảng đá lớn nhưng với nỗ lực, sáng nay, mọi người đã đưa được tảng đá lên và mũi khoan tiếp tục đi.
"Còn khoảng 35 m nữa, mũi khoan sẽ tới hầm. Nếu thuận lợi, mũi khoan này có ý nghĩa rất quan trọng vì đường kính lớn gần 20 cm có thể đưa ánh sáng, đồ ăn, nước uống, quần áo vào...", một nhân viên cứu hộ cho biết.
-
9h40
Mũi khoan ở phía sau đường hầm đã đi được 37 m. Tuy nhiên, hiện máy khoan gặp sự cố nên chưa thể tiếp tục. Một tín hiệu đáng mừng tại đây là nước đã rò rỉ từ bên trong hầm ra theo lỗ khoan. "Dự kiến còn khoảng 20 m nữa sẽ xuyên thủng được bên trong", một cán bộ cho biết.
-
10h10
Hiện, các lực lượng tham gia cứu nạn cứu hộ sẽ phối hợp và cùng triển khai cả 3 phương án đào hầm tiếp cận đến các nạn nhân bị mắc kẹt, gồm: phương án đào thủ công, dùng búa phá khí nén và dùng súng bắn nước.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư tỉnh Lâm Đồng đề nghị các phương án cần phải triển khai đảm bảo kỹ thuật, tiến độ thi công nhanh và cần nhất là phải đảm bảo yếu tố an toàn. Sau đó, xét thấy phương án nào khả thi, phù hợp thì tập trung toàn lực, đẩy nhanh tiến độ đào hầm nhanh đến nơi các nạn nhân bị mắc kẹt.
Tuy nhiên, một thành viên thường trực thuộc lực lượng cứu nạn, cứu hộ cho rằng, các phương án này triển khai cùng một lúc tại một địa điểm là rất khó vì không gian quá chật hẹp. Riêng phương án dùng súng bắn nước, một số ý kiến khác nêu quan điểm không an toàn, vì nước sẽ gây ra tình trạng sạt lở. "Đối với loại đất đá pha bùn, pha cát tại hiện trường thì cần phải cố gắng giữ khô trong quá trình thi công. Nếu quyết triển khai phương án dùng súng bắn nước mà không thực hiện chống đỡ kịp thời thì nguy cơ sạt lở là rất lớn", một cán bộ nói.
-
10h30
Mực nước trong hầm nơi các nạn nhân đang kẹt đã giảm. Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, mực nước còn khoảng 30-40 cm (đêm qua là 1,7 m). "Nước vẫn đang tiếp tục được bơm ra. Vẫn đưa được đồ ăn, sữa vào bên trong nên sức khỏe 12 nạn nhân đều ổn định, thông tin họ yếu dần là không chính xác", ông Yên nói.
Về phương án cứu hộ, vị Phó chủ tịch cho biết vẫn đang tìm cách tiếp cận các nạn nhân theo 3 hướng. Từ phía đằng sau hầm đã khoan được 40 m, từ phía trên xuống được 60 m (đây là đường để truyền thêm không khí và quần áo vào cho các nạn nhân).
"Quan trọng nhất vẫn là hướng từ phía trước hầm vì đây sẽ là đường để đưa các nạn nhân ra. Hiện lực lượng công binh vẫn đang đào ngách bên cạnh nơi bị sập và dùng gỗ tròn để gia cố hầm", ông Yên nói.
-
10h35
Một cán bộ lữ đoàn công binh 25 cho biết, hiện ngách đào để giải thoát 12 nạn nhân ra ngoài đã đi được 5 m. "Do đi đường vòng nên chiều dài có thể cao hơn 35 m dự kiến", cán bộ này nói và cho biết tại vị trí đào này có 10 người tham gia đào liên tục trong 4 giờ sau đó thay ca. "Đối với mực nước bên trong nơi ở của các nạn nhân, hiện một máy bơm nhỏ vẫn duy trì bơm nước ra, đủ để đảm bảo không cho nước tiếp tục dâng lên".
-
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Nguyễn Văn Yên cho rằng, nếu đưa được quần áo xuống dưới lòng đất, 12 anh em bị kẹt trong hầm sẽ tuyệt đối an toàn. Trong ngày thứ 2, việc cứu hộ cũng đã thu được một số kết quả khả quan.
-
11h15
Đoàn chuyên gia bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy cùng ngành y tế tỉnh Lâm Đồng đã được xe chở vào hầm tiếp cận qua ống thông khí xem xét tình hình sức khỏe của các nạn nhân để có hướng chăm sóc. Trước đó, hai bên có cuộc họp ngắn ngay tại lán trại y tế ngay tại hiện trường về vấn các phương án tiếp nhận nạn nhân khi được đưa ra. Các chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng đặt ra lúc này là sức khỏe của các nạn nhân có xu hướng yếu đi. Một số bác sĩ đưa ra phương án phải nhanh chóng bơm dung dịch có dinh dưỡng và canxi cao vào để giúp họ hồi phục sức khỏe. Bên cạnh đó cần phải bơm oxy liên tục vào bên trong giúp họ đủ khí thở.
-
11h45
Ông Nguyễn Công Tào - bếp trưởng phục vụ thức ăn cho các nạn nhân kẹt trong hầm sập - cho biết, lần mới nhất tiếp thức ăn cho 12 người là khoảng 7h sáng nay. Nước cháo được bỏ vào can loại 5 lít sau đó đổ từ từ vào đường ống. Thông tin mọi người báo ra bên ngoài vẫn là "vẫn khỏe" và "rất lạnh".
-
12h15
Ghi nhận của VnExpress, lực lượng cứu hộ vẫn đang dùng các dụng cụ bằng tay để đào ngách đi vòng qua vị trí bị sập trong đường hầm, tiến tới khu vực của 12 nạn nhân. Việc thi công diễn ra thuận lợi.
Gần đó, những người khác vẫn đang cố gắng thông đường ống chừng hơn 10 cm đã được khoan xuyên vào trong từ rạng sáng. Đường ống này khóa van lúc đưa vào và cần các nạn nhân bên trong mở khóa để ống có thể dẫn nước từ trong ra nhưng sau nhiều tiếng vẫn chưa thành công. Lực lượng cứu hộ đang thực hiện phương án dùng ống sắt nhỏ hơn để đẩy vào, cậy bung khóa van. Trong khi đó, 2 đường ống nhỏ còn lại đang làm nhiệm vụ truyền thức ăn và đưa nước từ hầm ra ngoài.