Chuyên gia Tô Văn Trường đã có bài viết phân tích việc xả lũ thời gian qua của thủy điện Hố Hô.
Việc thủy điện Hố Hô ở Hương Khê (Hà Tĩnh) xả lũ khiến nhiều người rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất" gây ý kiến trái chiều. Theo giới chức địa phương, thủy điện này xả lũ không đúng quy trình. Trong khi chủ đầu tư cho rằng "hồ thủy điện dung tích 38 triệu m3, nước đổ về thời điểm đó khoảng 1.800 m3/s, nếu không xả thì lòng hồ tăng lên 7 triệu m3 nước, nguy cơ mất an toàn đập rất cao".
Theo quy định, tùy theo loại công trình sẽ có quy trình xả lũ khác nhau. Nếu là đập dâng thì nước về đến đâu xả đến đó, với loại có dung tích phòng lũ thì trước khi lũ về phải đưa hồ về mực nước đón lũ nhằm giảm lũ cho hạ du. Quy trình xả lũ thủy điện được tính toán để đưa ra mực nước lũ thiết kế, mực nước lũ kiểm tra nhằm đảm bảo an toàn hồ đập và hạ du. Dung tích chống lũ cho công trình được tính từ mực nước dâng bình thường đến mực nước lũ thiết kế.
Quy trình cũng chỉ rõ khi mực nước hồ đạt đến mức độ nào đó, mà nước từ thượng lưu tiếp tục về thì phải mở tràn xả lũ để đảm bảo an toàn. Quy trình phải chỉ rõ phương án phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc cảnh báo, thông báo việc xả lũ bao gồm thời gian xả và lượng xả dự kiến.
Các phương án xử lý tình huống ở hạ du được nêu tại Quy trình đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ.
Đập thủy điện Hố Hô dài 102 m, bề mặt rộng 5 m nhưng lại cao tới 50 m. Về địa thế, đập nằm ở phía cuối của sườn núi, trước khi sông Ngàn Sâu đổ xuống đồng bằng. Đây là vị trí hứng chịu lượng nước lớn và nhanh từ thượng nguồn sông Ngàn Sâu (trên diện tích lưu vực 278,6 km2). Như vậy, Hố Hô sẽ chịu rất nhiều nguy hiểm khi lũ lớn ở thượng nguồn đổ về.
Đợt lũ 14/10/2016, lưu lượng về hồ ổn định ở mức 1.600 m3/s đến 1.800 m3/s trong suốt 7 giờ, nếu không xả thì chỉ sau khoảng một tiếng tiếp theo, hồ có nguy cơ bị tràn, sự cố có thể xảy ra. Nếu không xả kịp mà xảy ra vỡ đập, 32 triệu m3 nước còn lại trong lòng hồ đổ xuống càng gây thêm tai họa cho vùng hạ du.
Đây không phải lần đầu tiên, hồ thủy điện Hố Hô bị đe dọa. Năm 2010, trận lũ ngày 3/10 với lượng mưa thượng nguồn tương đương với năm nay, cửa van cống thoát nước không mở được do mất điện, dẫn tới mực nước hồ cao hơn 2 m so với đỉnh đập (+72 m) gây sạt lở nhà máy, ngập lụt diện rộng ở hạ du.
Năm 2013, nước lũ về nhanh, tất cả 3 cửa van được mở hoàn toàn lúc 15h ngày 2/10 khi mực nước trong lòng hồ đã đạt cao trình 65,35 m và lưu lượng xả qua tràn là 1.400 m3/s. Việc xả lũ đã giúp giữ được an toàn đập và nhà máy, song hàng trăm mét bờ kè bê tông dọc chân đập (vừa được xây dựng sau trận lũ lịch sử năm 2010) bị cuốn sập.
Tuy nhiên, việc xả nước của thủy điện Hố Hô đợt vừa qua cho thấy nhiều bất cập. Trước hết, do công tác dự báo kém nên đến 17h30 ngày 14/10 khi lũ về 1.700 m3/s hồ vẫn tích nước, đến 18h30 cùng ngày khi lũ về 1.843 m3/s (đỉnh lũ) thì hồ đã đầy nên không tích được nữa, buộc phải xả vào ban đêm. Thông tin này không đến kịp thời với người dân để chủ động di dời.
Nếu dự báo tốt, khi gặp đỉnh lũ mà hồ chưa đầy sẽ điều tiết giảm được lũ cho hạ du. Vấn đề là hồ đang tích để cắt lũ cho hạ du thì chuyển sang xả nước. Đây là thời điểm nhạy cảm và phải xem xét hồ đã thực hiện đúng Quy trình đảm bảo an toàn hạ du khi xả lũ hay chưa (không phải riêng quy trình xả lũ).
Mực nước dâng bình thường của hồ là 70 m, lúc 18h30 ngày 14/10 hồ xả trong khi còn gần 3 mét nữa mới đầy. Cộng thêm lưu lượng xả qua máy phát điện, tổng lưu lượng xả lớn hơn lượng nước đến hồ nên mực nước thượng lưu hồ từ 68 m hạ xuống 64,6 m (lúc 3h ngày 15/10). Việc này làm gia tăng lũ hạ du.
Nếu dự báo tốt lũ đến hồ, chắc chắn hồ sẽ dành được dung tích khoảng 6 triệu m3 để cắt đỉnh lũ, hỗ trợ cho hạ du và chỉ xả bằng lũ đến khi hồ đạt mực nước dâng bình thường 70 m như trong thiết kế.
Biện pháp cấp bách đối với miền Trung là rà soát quy hoạch hạ tầng cơ sở theo thứ tự ưu tiên là an toàn công trình, cắt giảm hoặc chống lũ cho hạ du, đảm bảo nhu cầu dùng nước tối thiểu cho hạ du và phát điện. Bên cạnh đó, cần thông tin đầy đủ, kịp thời đến người dân về quy trình, thời gian xả lũ. Mặt khác, cần tăng cường đẩy mạnh khoa học công nghệ, nâng cao độ chính xác của công tác dự báo để các hồ chứa cần duy trì mực nước trước lũ (dung tích phòng lũ) trong một thời kỳ. Muốn làm điều này phải tăng cường hệ thống quan trắc và chất lượng dự báo khí tượng thủy văn cho hồ, hoàn thiện quy trình vận hành liên hồ chứa của các lưu vực sông và các giải pháp chủ động ứng phó với thiên tai.
Để chủ động ứng cứu tại chỗ, cơ quan chức năng cần xây dựng các khu nhà phòng tránh kiên cố, nơi cư trú an toàn, dự trữ lương thực, thuốc men, ghe thuyền, phao cứu hộ.
Việt Nam cũng cần rà soát loại bỏ các dự án thủy điện dù có trong quy hoạch nhưng hiệu quả không cao vì diện tích rừng bị mất do làm thủy điện trung bình khoảng 15 ha/MW. Việt Nam cần ban hành quy định quy trách nhiệm, chế tài xử lý cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư công trình khi công trình gây sự cố và ban hành quy định phối hợp quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch phòng chống thiên tai.
Tô Văn Trường
Nguyên Viện trưởng Quy hoạch Thủy lợi miền Nam