Ngày 25/7, hơn 200 đại biểu gồm các chuyên gia pháp lý, học giả đến từ nhiều nước trên thế giới đã tham gia hội thảo quốc tế "Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực" tại TP HCM.
Trình bày tại hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đều khẳng định, hành vi cải tạo và xây dựng những công trình của Trung Quốc tại Biển Đông đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật biển Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) mà nước này là thành viên. Nhiều học giả cũng phân tích những tác động tiêu cực từ hành vi đơn phương của Bắc Kinh đối với hệ sinh thái, môi trường biển và hoạt động tự do hàng hải của các nước trong khu vực và thế giới.
Tiến sĩ Ngô Hữu Phước - Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, ĐH Luật TP HCM nhận định, đảo nhân tạo của Trung Quốc làm cho tiến trình giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia liên quan trên Biển Đông ngày càng bế tắc; các tranh chấp ngày càng phức tạp và nguy hiểm.
"Hành động của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa đã, đang và sẽ cản trở, đe dọa tự do hàng hải, hàng không, thương mại khu vực và thế giới. Trung Quốc đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế, làm gia tăng chạy đua vũ trang trong khu vực và thế giới… Thực tế, Trung Quốc luôn lớn tiếng đe dọa sử dụng vũ lực đối với các tàu thuyền, máy bay đi vào vùng biển, vùng trời xung quanh các đảo nhân tạo", ông Phước nói.
Tham dự hội thảo qua cầu truyền hình, Giáo sư Batongbacal - ĐH Philippines cho biết, việc cải tạo ồ ạt của Trung Quốc trên 7 trong số 8 rạn san hô mà nước này đang tạm thời chiếm giữ đã chỉ ra những hoạt động đơn phương chưa từng có tiền lệ về tốc độ, quy mô và phạm vi trong tranh chấp ở Biển Đông. Chiến dịch xây dựng đảo trên thực tế đã hoàn tất, bốn trong số các dự án này đã bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2014 và đầu năm nay, còn lại đang thi công.
Những hoạt động này của Trung Quốc gây tác hại lâu dài đến quyền của những quốc gia tranh chấp, thiệt hại nghiêm trọng và không thể khắc phục đối với môi trường biển. Khi toàn bộ hệ sinh thái đã bị triệt tiêu để mở đường cho việc xây dựng các đảo mới.
"Bảo vệ môi trường biển là vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia ven biển, không phụ thuộc vào quan điểm cuối cùng của họ trong bất kỳ một tranh chấp biển nào", ông Batongbacal nói.
Tương tự, tiến sĩ Hoàng Ly Anh - ĐH Luật Hà Nội cũng chỉ ra hoạt động xây dựng công trình của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đến hệ sinh thái Biển Đông, trong đó diện tích lớn các rạn san hô đã giảm đi nhanh chóng.
Ngoài ra, việc nạo hút cát dưới đáy biển để xây đảo còn làm thay đổi cấu trúc địa chất tại các vùng biển của quần đảo Trường Sa cũng như môi trường biển của nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Philippines, Indonesia và ngay cả Trung Quốc. Nước này đã vi phạm nghĩa vụ giữ gìn và bảo vệ môi trường biển theo Công ước Luật biển 1982.
Dưới góc độ chuyên gia pháp lý về môi trường quốc tế, bà Anh cho rằng, các quốc gia trong khu vực cần phải hợp tác với nhau yêu cầu Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt hành vi bồi lấp, xây dựng trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế đa phương khu vực bắt buộc, điều ước quốc tế khu vực. Đồng thời, ngay lập tức giám sát hoạt động xây dựng đảo, thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường mà Trung Quốc cho rằng đã thực hiện.
Theo ông Batongbacal, trong khi chưa thể chọn lựa việc sử dụng vũ lực để ngăn chặn những hoạt động này, các quốc gia có thể áp dụng biện pháp tạm thời hay lệnh cấm mà toà án quốc gia vẫn áp dụng trong lúc chờ kết quả của quá trình kiện tụng. Nó sẽ được áp đặt bởi một cơ quan tài phán trọng tài quốc tế hay Tòa án quốc tế về Luật biển để bảo vệ duy trì quyền của các bên. Mục đích áp dụng là nhằm ngăn chặn những hoạt động của Trung Quốc trong tương lai đối với các rạn san hô còn lại trên Biển Đông.
"Tôi cũng đã trình bày với chính phủ về những giải pháp này. Tuy nhiên, nếu cùng một lúc có nhiều nước cùng áp dụng thì tính hiệu quả cao hơn", vị chuyên gia nêu ý kiến.
Kết thúc hội thảo, giải pháp chung mà các chuyên gia, diễn giả đưa ra đều là giải quyết các tranh chấp, xung đột trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế vì sự phát triển ổn định, bền vững trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, là Hiến chương Liên hợp quốc và Công ước quốc tế Luật biển 1982.
Hải Duyên