Sau khi phát hiện con cua đinh khoảng 50 tuổi (còn gọi là ba ba Nam Bộ) và nặng chừng 30 kg ngày 17/3, Ban quản lý khu du lịch sinh thái mong muốn thả con vật này xuống hồ Gươm để làm bạn với "cụ" rùa.
Tuy nhiên, theo giới khoa học thì việc làm trên là không cần thiết. Lý giải về quan điểm này, theo tiến sĩ Bùi Quang Tề, chuyên gia thủy sản, cua đinh thường sống ở miền Nam, nếu để nó sống ở miền Bắc thì không được. "Mùa đông, nhiệt độ miền Bắc có ngày xuống dưới 10 độ C thì làm sao cua đinh sống nổi", ông Tề nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cho rằng hồ Gươm chỉ như "ao tù" không đủ không gian rộng để cua đinh sống, loài này thường ở các sông lớn như sông Tiền, sông Hậu.
"Cua đinh Nam Bộ khác loài với "cụ" rùa Hồ Gươm nên thả xuống cũng không giải quyết được vấn đề bảo tồn", ông Tề nói thêm.
Cũng theo ông Tề, rùa hồ Gươm từ lâu đã trở thành linh vật thiêng liêng với người Hà Nội và không nên thêm bất cứ loài nào lớn xuống hồ Gươm.
Đồng quan điểm, ông Vũ Ngọc Thành, khoa Sinh học, Đại học Khoa học tự nhiên Hà Nội nhấn mạnh: "Việc đưa cua đinh xuống hồ Gươm không mang ý nghĩa gì cả, thậm chí còn làm ảnh hưởng đến "cụ" rùa".
Ông Thành cho hay, con cua đinh thường sống ở môi trường rộng và sạch vì vậy nếu thả vào hồ Gươm thì rất khó tồn tại. Bên cạnh đó, cua đinh thích hợp với nhiệt độ phía Nam và có thể chết nếu sống ở hồ Gươm, nhất là vào mùa đông.
Ngoài ra, theo ông Thành dù đây là loài quý hiếm, nhưng đang được nhân nuôi khá nhiều ở miền Bắc.
Các chuyên gia đề nghị nên thả cua đinh về môi trường sống thích hợp.
Phó giáo sư Hà Đình Đức không đưa ra quan điểm về việc có nên đưa cua đinh xuống hồ "làm bạn" với "cụ" rùa hay không. Nhà "rùa học" bày tỏ, việc đưa cua đinh xuống hồ Gươm là do quyết định của thành phố Hà Nội.
Hương Thu