Sau sự kiện bi thảm ngày 14/3/1988 khi Trung Quốc tấn công các tàu vận tải Việt Nam, nổ súng làm 64 chiến sĩ hy sinh và chiếm trái phép bãi đá Gạc Ma của Việt Nam, trong tháng 3/1988 tàu Đại Lãnh của Xí nghiệp liên hợp trục vớt cứu hộ miền Nam được cử đi cứu hộ tại khu vực Cô Lin - Gạc Ma - Len Đao. Việc cứu hộ liên tục gặp khó khăn do sự cản trở của tàu chiến Trung Quốc.
Đầu tháng 4/1988, tàu Mỹ Á được phân công hỗ trợ Đại Lãnh và đưa gần 20 phóng viên báo chí ra tác nghiệp tại Trường Sa, giúp Việt Nam có thêm chứng cứ đấu tranh với Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao.
Thiếu tướng Hồ Anh Thắng. Ảnh: H.P. |
Thiếu tướng Hồ Anh Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm phát thanh và truyền hình quân đội khi ấy là phóng viên báo Quân đội nhân dân, gọi đó là "chuyến đi lịch sử trong một hoàn cảnh lịch sử". Trước khi lên đường, đồng nghiệp chuẩn bị bữa cơm chia tay, sau này ông mới biết đó là bữa cơm "cúng" nếu chẳng may ông không về.
Sau nhiều ngày tác nghiệp ở Cam Ranh (Khánh Hòa), cả đoàn rời cảng ra Trường Sa vào 15/4/1988. Suốt chuyến đi nhiều người bị say sóng nằm dài, nhưng khi nghe thuyền trưởng nhắc sắp đến cụm đảo chìm Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin, nhiều nhà báo vùng dậy, lên boong tàu chọn góc máy tốt nhất để tác nghiệp. Lúc ấy, ngoài tàu chiến 854 của Trung Quốc thường xuyên túc trực ở đảo còn có thêm 2 tàu chiến nữa. Nhà báo Đình Trân (TTXVN) và Ngọc Đản (Nhân dân) chụp được rất nhiều ảnh tàu hộ vệ 854 của Trung Quốc.
"Khi tới Cô Lin, tàu Trung Quốc tiến gần tới mức chúng tôi thấy rõ màu xanh của quần áo Tô Châu và những loại vũ khí trên tàu như đại bác, pháo 105 mm, 37 mm chĩa nòng trong tư thế sẵn sàng khai hỏa. Lính Trung Quốc đội mũ sắt, mặt hằm hằm", thiếu tướng Thắng nhớ lại.
Thủy triều lớn không nhận ra hình hài của đá Cô Lin, riêng tàu HQ 505 (tàu duy nhất không bị Trung Quốc bắn chìm trong hải chiến Gạc Ma) như con cá voi khổng lồ nghếch mõm lên bãi đá. Trên đầu tàu, cờ Việt Nam bay phấp phới. Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cùng gần chục chiến sĩ khác ra đón đoàn.
Sau ngày 14/3/1988, nhân lúc tàu Trung Quốc rút ra xa, chiến sĩ tàu HQ 505 dùng xuồng cao su sang Gạc Ma vớt chiến sĩ bị chìm cùng tàu HQ 604 rồi đưa về đảo Sinh Tồn. Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cùng 9 chiến sĩ khác bám trụ lại Cô Lin đến tận tháng 6/1988, lúc nào cũng trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Cả đoàn nhà báo có hơn hai giờ tác nghiệp tại Cô Lin. Ông Thắng nhớ lại, thân tàu HQ 505 khi ấy lỗ chỗ những vết đạn pháo. Có lỗ hổng thọc được cả hai chân người vào. Trong khoang, các thiết bị cháy vụn, lạo xạo dưới chân, có chỗ bết lại thành từng lớp than đen - dấu vết của cả tấn gạo bị cháy.
Thiếu tướng Thắng nhớ mãi nụ cười và nét bình thản của những người lính trẻ măng trên tàu HQ 505, dù cách đó không lâu họ phải đối mặt với họng súng của kẻ xâm lược. Đá Cô Lin thiếu nước ngọt, các chàng trai ùa xuống tàu Mỹ Á lấy nước. Chỗ tiếp giáp của vòi phun ra tia nước nhỏ, bộ đội thay nhau áp mình vào tia nước vừa hứng vừa uống, những giọt nước khô mau trên tấm lưng trần cháy nắng.
Khi thuyền trưởng Lễ phát những lá thư gửi từ đất liền, chiến sĩ trẻ ùa lên đón lấy. Trong cái mặn mòi của biển, những người lính thân trên trần trụi. Gần một tháng sau sự kiện Gạc Ma, quân tư trang của họ hầu như không còn gì. Có chiến sĩ chỉ còn lại chiếc quần lót.
Hàng ngày, quân Trung Quốc đều cho tàu chiến đến đe dọa, dùng loa réo gọi đầu hàng nhưng anh em quyết không lùi bước. Tiếp tế khó khăn, thực phẩm cạn, đêm đêm những người lính lại đốt đuốc xuống bãi san hô bắt cá. Có hôm ăn rồi bị ngộ độc, nhiều người đau buốt xương khớp vài ngày mới khỏi. "Hôm chúng tôi đến, các chiến sĩ đang lưng trần phơi cá trên boong", thiếu tướng Thắng nhớ lại.
Trước khi rời Cô Lin, phóng viên trẻ Hồ Anh Thắng nhớ mãi câu nói của thuyền trưởng tàu HQ 505: "Chúng ta là những người lính, trải qua những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, chống giặc ngoại xâm Trung Quốc, chúng ta yêu và hiểu thấu giá trị của hòa bình. Chính vì vậy mà mới có những hành động như anh Phương (trung úy Trần Văn Phương) giữ chặt lá cờ. Không nổ súng trước nghĩa là chúng ta muốn gìn giữ hòa bình".
"Khi rời tàu HQ 505, ai cũng nghĩ công việc cứu hộ, trục vớt các tàu HQ 604, HQ 605 đang chìm dưới biển rồi sẽ được triển khai và chúng tôi sẽ còn trở lại với họ, nhưng Trung Quốc đã không cho ta làm điều đó", ông Thắng trầm ngâm.
Dù tàu Mỹ Á treo cờ chữ thập đỏ nhưng khi rời Cô Lin để đến đảo Sinh Tồn cách đó hơn 6 hải lý, thuyền trưởng Đặng Ngọc Quý đã gọi các nhà báo lại, cho biết thế nào tàu chiến Trung Quốc cũng ngăn cản. Không loại trừ tình huống xấu nhất xảy ra nên phim ảnh, tài liệu đã ghi chép được cần cất giữ vào nơi bí mật đề phòng bất trắc. Nếu có chuyện thì nhảy xuống biển ngay và bơi đứng, không bơi nằm để tránh bị cá mập tấn công. "Nghĩ lại, nếu có chuyện thật thì điều tiếc nhất của tôi là những tấm phim tư liệu, ảnh chụp về tội ác của quân Trung Quốc chưa kịp đến với nhân dân cả nước", ông Thắng nói.
Năm ấy, hành trang của phóng viên Trung Hiền, báo Tiền Phong còn có lá cờ Đoàn để trao tận tay những người lính giữ đảo. Ông bọc cẩn thận trong túi nylon, sợ bị nước biển làm ướt. Lá cờ Đoàn được các chiến sĩ đảo Sinh Tồn đưa về nhà chỉ huy trên đảo.
Ông Trung Hiền nhớ nhất hoàng hôn buông xuống Sinh Tồn, những người lính hải quân áo bạc thếch màu ngồi tỉ mẩn xếp những con ốc nón, san hô vun đắp lên những ngôi mộ đồng đội vừa hy sinh vào ngày 14/3/1988. Sinh Tồn khi ấy còn đơn sơ, bát hương làm bằng ống bơ bò hoen gỉ, mộ nằm giữa những vạt muống biển, bị sóng trùm lên cuốn trôi những con ốc biển ra xa. Trong số này có thuyền phó tàu 605 - trung úy Phạm Hữu Doan. Anh Doan bị bỏng nặng khi HQ 605 bị bắn cháy.
Nhà báo Nguyễn Văn Vinh khi đó là quay phim của Đài truyền hình Việt Nam xác định đây là chuyến đi nguy hiểm vì những gì đã diễn ra trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và 64 chiến sĩ hy sinh ngày 14/3/1988 đã nói lên tất cả. Nhưng muốn có những bài viết, phóng sự nóng hổi về Gạc Ma, Trường Sa nên ông vẫn quyết tâm đi.
"Cô Lin và Gạc Ma cách nhau gần 4 hải lý. Trời trong thì đứng bên này Cô Lin nhìn thấy rõ Gạc Ma. Khi rời khỏi Cô Lin, chúng tôi đều đau đáu nhìn về phía Gạc Ma đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép", ông Vinh kể.
Ông Vinh cho hay, ngoài các chiến sĩ kiên trì bảo vệ chủ quyền hải đảo, còn có các thợ lặn bất chấp hiểm nguy để tìm kiếm, trục vớt các tàu HQ 604, 605 bị chìm cùng thi thể các chiến sĩ đã hy sinh. Tổ thợ lặn của tàu cứu hộ Đại Lãnh xác định được tàu HQ 605 chìm ở độ sâu 40 m gần bãi đá Len Đao. "Khi tôi phỏng vấn, các thợ lặn cho biết không tìm thấy xác các chiến sĩ trong tàu. Có thể không bị kẹt nên thi thể đã nổi lên và trôi mất", giọng ông nghèn nghẹn.
Theo ông Vinh, cái tên Gạc Ma nhắc nhở cho thế hệ hôm nay rất nhiều chuyện xảy ra trong quá khứ, đánh dấu ý đồ chiếm trọn biển Đông của Trung Quốc. Dù thời gian có nhiều thay đổi, thông tin có thời điểm ngắt quãng nhưng nhìn lại ông vẫn tin tưởng vào việc bảo vệ biển đảo của Việt Nam.
"Chúng ta cần bền bỉ đưa thông tin ra quốc tế và chủ động đáp ứng yêu cầu thông tin của công chúng về sự kiện Gạc Ma nói riêng và biển Đông nói chung. Truyền thông cần được coi là một mũi nhọn trong công cuộc bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ biển đảo của Việt Nam", ông nói.
Sáng 14/3/1988, khi bộ đội Việt Nam đang làm nhiệm vụ xây dựng chủ quyền trên cụm đảo chìm Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin thì Trung Quốc ngang ngược đưa tàu chiến đến ngăn cản. Tại Gạc Ma, lính Trung Quốc mang vũ khí xông lên bãi cướp cờ, xả súng làm 64 chiến sĩ hy sinh, bắn chìm tàu HQ 604. Tại Cô Lin, bị quân Trung Quốc tấn công, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ cho tàu HQ 505 lao thẳng lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền. Tàu HQ 605 đang làm nhiệm vụ bảo vệ bãi đá Len Đao cũng bị tàu chiến Trung Quốc bắn cháy, chìm vào sáng 15/3/1988. 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt. Việt Nam giữ được Cô Lin, Len Đao. Còn Gạc Ma rơi vào tay quân xâm lược từ đó. Tháng 4/1988, tổ thợ lặn của tàu Đại Lãnh qua khảo sát biết được con tàu HQ 605 chìm ở độ sâu 40 m gần bãi đá Len Đao. Tàu bị pháo lớn của Trung Quốc bắn từ bên phải, xuyên qua cả mạn trái. Toàn bộ cabin vỡ nát. Tàu chìm và nghiêng hơn 80 độ. Thuyền phó Phạm Hữu Doan hy sinh được các chiến sĩ đưa về chôn cất ở đảo Sinh Tồn, một chiến sĩ báo vụ hy sinh bị mắc kẹt trong khoang tàu không tìm thấy thi thể. Việc xác định vị trí của HQ 604 chìm gần Gạc Ma đã không thể tiến hành do bị quân Trung Quốc liên tục ngăn cản. Cho đến hàng chục năm sau, phía Trung Quốc vẫn không hợp tác để Việt Nam tìm kiếm hài cốt những liệt sĩ đã hy sinh. HQ 505 nằm ghếch mũi lên bãi Cô Lin. Đài chỉ huy, hai bên sườn tàu, sau đuôi chi chít lỗ thủng do hàng chục vết đạn pháo bắn thẳng, đường kính 30-40 cm. Tàu gần như cháy toàn bộ lớp sơn, lương thực trong khoang bị cháy thành tro. |
Hoàng Phương