Xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) chiều 12/7, hỏi đường về nhà ông Võ Văn Lựu ở thôn Châu Thuận Biển, thuyền trưởng tàu QNg 90479 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm ba ngày trước, nhiều phụ nữ buột miệng: "Nhà ông Lựu lại bị chìm tàu à?". Người ở làng chài không phải vô tâm, nhưng bởi chuyện tàu cá ra ngư trường Hoàng Sa đánh bắt bị đâm chìm không còn là hiếm.
Bà Nguyễn Thị Năng (51 tuổi, vợ thuyền trưởng Lựu) chạy đôn chạy đáo, trên tay luôn cầm điện thoại, vội vàng bấm nghe khi có bất kỳ ai gọi đến. "Ba đêm nay tôi đâu ngủ được. Hôm qua nghe qua Icom, thấy thông báo chiều nay ông ấy về, mà giờ vẫn biệt tăm", bà Năng nói như thông báo với những người khách vừa ghé nhà.
5 ngư dân trên tàu gặp nạn đều là người trong một gia đình, thuyền trưởng Lựu đi cùng cha là cụ Võ Băng (72 tuổi), em trai Võ Thanh Hương, con trai Võ Văn Cầu và con rể Nguyễn Trung Hậu. Bà Năng lý giải, bây giờ khó thuê người làm biển vì hầu hết người địa phương đều có tàu, còn người từ nơi khác đến nhận tiền trước, đi một vài chuyến về là tắt điện thoại trốn nên cả gia đình kéo nhau đi chung chuyến biển.
"Sức khoẻ ba chồng tôi rất tốt, ông vẫn có thể lặn biển, phụ nấu cơm hay cầm dây hơi cho thợ lặn. Cần là con trai lớn nhất của gia đình, vừa học xong lớp 11, lần đầu tiên xin đi biển dịp nghỉ hè", bà Năng kể và cho biết Cần xin đi biển xem có hợp với nghề đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa hay không. "Nó bảo nếu chịu được thì học hết lớp 12 sẽ cùng cha đi biển".
"Thuyền viên" nghiệp dư nhất là con rể Nguyễn Trung Hậu (30 tuổi). Anh Hậu và vợ Võ Thị Nỉ (29 tuổi) đang là giáo viên dạy hợp đồng ở trường THCS Sơn Dung (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi). "Làm rể được hơn một năm, đây là lần đầu tiên nó xin đi biển, cứ bảo là đi cho biết thực tế ở Hoàng Sa như thế nào. Cũng may thằng Hậu biết bơi", bà Năng nói.
Ngồi trong nhà bồng con gái đầu lòng 3 tháng tuổi, chị Nỉ kể nhân dịp nghỉ hè, anh Hậu về nhà ngoại thăm vợ con và xin đi biển cho kỳ được. Dù là giáo viên dạy thể dục nhưng anh Hậu thường tìm hiểu về chủ quyền biển đảo. "Anh ấy bảo đi biển cho biết Hoàng Sa, về có thực tế nói chuyện với học sinh", chị Nỉ kể.
Ba ngày qua, cũng như mẹ mình, chị Nỉ không có được giấc ngủ ngon. "Tôi không ngủ được. Từ khi nghe tin tàu bị phía Trung Quốc đâm chìm mà cứ bồn chồn. Sau chuyến biển này chắc tôi không dám cho chồng đi biển thêm lần nữa. Câu chuyện trực tiếp giáp mặt với tàu Trung Quốc chắc chồng tôi sẽ kể với nhiều học sinh và bạn bè", chị Nỉ nói.
Ba lần bị tàu Trung Quốc đâm va, cướp bóc
Ông Lựu nối nghiệp cha làm thuyền trưởng, gắn bó với ngư trường Hoàng Sa hơn 30 năm nay. Trước khi là một ngư dân thứ thiệt, ông Lựu từng đi lính biên phòng ở đảo tiền tiêu Lý Sơn (quê hương Hải đội Hoàng Sa). Can trường bám biển, vợ chồng ông Lựu có tiền lo cho các con ăn học. Con gái làm giáo viên cũng là chuyện hiếm ở làng chài này.
Bà Năng bảo, trưa 9/7, khi nghe có người đến báo tin tàu gia đình mình bị đâm chìm, bà đã không còn nước mắt để khóc nữa. Những năm 90, hai vợ chồng trẻ dốc hết tài sản mới mua được một con tàu nhỏ vươn khơi xa. Cơn bão năm 1994, ông Lựu cứu được hơn 10 thuyền viên trên một tàu cá bị chìm. Nhưng sang cơn bão kế tiếp, chính tàu ông Lựu lại bị chìm. Bà Năng biết tin đã khóc cạn nước mắt, mãi đến hôm sau mới biết tin chồng còn sống.
Sau lần đầu mất tiền, vợ chồng ông lại vay mượn đóng mới con tàu 190CV, trị giá hơn 30 cây vàng. Tàu ra khơi cũng cứu được nhiều người trong bão, nhưng đến năm 2010 thì bị phía Malaysia bắt giữ do đánh bắt ở vùng biển của quốc gia này. Ông Lựu bị giam giữ 9 tháng tù, còn tàu bị tịch thu. Tưởng rằng ông Lựu bỏ biển, nhưng ngay khi ra tù, ông lại bàn với vợ đóng mới tàu để ra lại Hoàng Sa.
Nghiệp biển như vận vào người, ông Lựu tập trung đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa truyền thống. Nhưng những năm gần đây, phía Trung Quốc thường ngăn cản, đe dọa. Bà Năng cho biết, năm 2012, tàu cá của gia đình bị tàu Trung Quốc đâm, ông Lựu cùng các thuyền viên kịp nút lại lỗ thủng để về bờ nhưng thân tàu bị hư hỏng, phải bán tháo để vớt lại chút vốn đầu tư đóng tàu mới.
Đầu tháng 3/2014, thuyền trưởng Lựu vươn khơi Hoàng Sa và tiếp tục gặp sự vây ráp của tàu phía Trung Quốc. Lần này, tàu của ông không bị tông va nhưng bị cướp sạch tài sản, thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Về bờ, gia đình ông được Nhà nước hỗ trợ 50 triệu đồng.
Hơn một năm sau, tàu ông Lựu lại bị tàu phía Trung Quốc truy đuổi ở ngư trường Hoàng Sa. Không muốn bị tông hay cướp tài sản, ông Lựu cho tàu chạy hết công suất để thoát khỏi vòng vây nhưng máy của tàu bị bung phải lai dắt về bờ sửa chữa với chi phí hàng trăm triệu đồng. Và lần này, khối tài sản 3 tỷ đồng của gia đình ông Lựu đã mãi nằm lại biển Hoàng Sa.
Sáu lần vượt cạn, bà Năng đều một mình xoay xở, vì chồng ở ngoài biển. Thương chồng nhưng nhiều lần nghe phàn nàn về chuyện bị các tàu Trung Quốc quấy phá, bà lại động viên: "Mình sống bằng nghề biển, có may có rủi nhưng nhất quyết phải bám biển để đến đời con cháu mình còn ngư trường mà đánh bắt".
Đêm nay, bà Năng hay chị Nỉ vẫn chưa thể yên giấc, khi chưa nhìn thấy mặt người thân.
Nguyễn Đông