5h sáng 18/6, tàu biên phòng đưa thi thể thượng tá Trần Quang Khải cập bờ biển Cửa Lò (Nghệ An) khép lại hành trình 4 ngày đêm tìm kiếm người lính phi công Su-30MK2. Sóng to, biển động khiến hải trình chậm trễ nhiều giờ so với dự kiến. Trên cầu cảng, đồng đội xếp hai hàng, nghiêm trang chào khi thi thể anh đi qua.
Cháu gái gọi thượng tá Trần Quang Khải là cậu, nữ luật sư 36 tuổi, cho biết bốn ngày qua dài đằng đẵng với cả gia đình cô. Nhận tin hai phi công cùng chiếc Su-30 mất liên lạc sáng 14/6, gia đình rất hoang mang, nhất là người cha già hơn 80 tuổi của anh Khải. Đơn vị cắt cử người về quê ở Tân Dĩnh (Lạng Giang, Bắc Giang) cùng gia đình chờ tin tức.
Khi đồng đội của anh trên chiếc Su-30 Nguyễn Hữu Cường được tìm thấy, hay khi lực lượng cứu hộ thông báo phát hiện vật thể nghi là áo phao gần đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), gia đình lại lóe lên tia hy vọng. Họ mong rằng anh cũng đang ngồi trên chiếc phao cứu sinh nào đó chờ người đến cứu.
Trên trang cá nhân đêm 15/6, người cháu gái nhắn: "Hai ngày cậu chơi trò trốn tìm là quá lâu đấy nhé. Cậu cố lên, vượt qua đói, khát, sự cô đơn, một mình lênh đênh giữa biển khơi mênh mông. Qua đêm nay, chậm nhất sáng mai sẽ có người tới ứng cứu cậu trở về nhà mạnh khoẻ, trong vòng tay ấm áp của người thân yêu và đồng đội. Về lần này, nhất định 2 cậu cháu sẽ nói tiếp chuyện xây nhà theo kiến trúc Thái Lan mà cậu thích, mặc cho ai đó xây theo kiểu Pháp hay Italy nhé. Thật sự từng giờ, từng phút, từng giây, gia đình chỉ còn biết cầu mong và cầu mong cậu bình an trở về".
Tối 17/6, thông tin phát hiện thi thể cuộn trong vải dù ở gần đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) khiến gia đình lặng đi nhưng vẫn không nguôi hy vọng. Hơn 10h đêm, thi thể được xác nhận là thượng tá Trần Quang Khải, cả gia đình vỡ òa trong nỗi đau. "Khi anh Cường được cứu sống, cả nhà tôi rất mừng, hy vọng cậu đang lênh đênh đâu đó hoặc may mắn được một chiếc thuyền của ngư dân cứu vớt mà chưa kịp báo về, không ai nghĩ cậu sẽ về trong hình hài như vậy", chị nghẹn ngào nói.
Anh Khải là con trai thứ 10 trong gia đình có 11 người con, trước anh còn 9 chị gái và sau là cậu em út. Năm đó, tỉnh Bắc Giang có mình anh trúng tuyển phi công quân sự. Và gia đình chỉ có mình anh theo nghiệp binh.
Tốt nghiệp trường Sĩ quan không quân Nha Trang, anh Khải về công tác tại Trung đoàn không quân 923, Quân chủng phòng không không quân đóng tại sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Hơn 20 năm công tác, anh Khải là phi công chiến đấu cấp 1, dày dạn kinh nghiệm bay, giữ chức vụ Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng trung đoàn.
Là một trong những phi công lái tiêm kích Su-30 thế hệ đầu tiên của Việt Nam, năm 2013, anh được cử sang Nga huấn luyện gần một năm về máy bay chiến đấu Su-30MK2. "Cậu là niềm tự hào của cả gia đình", người cháu nói.
Trong ký ức cháu gái, người cậu phi công là "người đàn ông nam tính, ấm áp, trong công việc thì nghiêm nghị nhưng ra ngoài đời thì rất thanh niên tính, nói chuyện lúc nào cũng cười". Tuổi tác cách nhau không nhiều nên cậu cháu khá thân thiết, gặp nhau là nói đủ chuyện, khoác vai bá cổ như hai người bạn. Anh Khải thường xoa đầu cháu gái cho tóc rối tung lên và bảo "xinh thế, đúng là cháu cậu" rồi cười tít mắt.
"Tình yêu của cậu với bầu trời, máy bay, nhất là Su-30 rất lớn nên cậu dành hết thời gian, tuổi trẻ cho những chuyến bay. Chuyện vợ con cũng vì vậy mà muộn màng. Lúc tôi giới thiệu bạn gái cho, cậu toàn tự ti sợ bị chê già và bảo cháu nhớ gọi cậu là anh nhé, không có các em ấy chạy hết", chị kể.
40 tuổi, anh Khải mới lập gia đình với người phụ nữ cùng quê và có một con gái nhỏ. Vợ làm việc ở Hà Nội nên anh thuê nhà để chị tiện đi làm, còn mình vẫn đóng quân ở Thọ Xuân (Thanh Hóa). Anh từng tâm sự với cháu gái, có cơ hội chuyển công tác đến đơn vị khác nhưng vì yêu mảnh đất này nên không đi.
Bận rộn với những bài bay huấn luyện, thỉnh thoảng anh tranh thủ về Bắc Giang thăm gia đình. Thời gian mẹ ốm nằm viện, anh xin nghỉ phép về chăm. Có 9 chị gái nhưng anh không ỷ lại mà chăm mẹ từng ly từng tí, không ngại việc vệ sinh cá nhân cho bà, đêm nằm tâm sự, động viên bà. Mẹ anh đã mất cách đây 4 năm.
Kỳ nghỉ phép 30/4 vừa rồi là lần cuối cùng phi công Trần Quang Khải gặp người thân. Anh dự định xây nhà và nói thích xây theo kiến trúc Thái Lan. "Cậu thích xây nhà ở quê để bố an hưởng tuổi già và vợ chồng, con cái về chơi cho thoải mái. Cậu định khi nghỉ hưu sẽ về Bắc Giang, sống gần gũi bên anh em họ hàng", người cháu gái chia sẻ.
Trong ký ức đồng đội, thượng tá Khải là người chỉ huy bản lĩnh, nhạy bén, kiến thức chỉ huy tham mưu giỏi và luôn quan tâm đến cấp dưới. Có lần, anh cười dặn dò một sĩ quan: "Đồng chí là chỉ huy đơn vị, phải tự mình làm tốt mọi thứ trước để bộ đội noi theo, không thì không nhắc nhở được ai đâu nhé". Lúc nhận tin ngư dân phát hiện thi thể gần đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), ai nấy đều hy vọng đó không phải là anh. "Đêm qua cả sân bay không ngủ, các chị quân y khóc suốt khi nghe tin dữ", đồng đội kể.
Sáng 14/6, đội hình tiêm kích Su-30 xuất phát từ sân bay Sao Vàng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện trên biển. Đến 7h29, chiếc Su-30MK2 số hiệu 8585 mất liên lạc cùng hai phi công là thượng tá Trần Quang Khải (43 tuổi) và thiếu tá Nguyễn Hữu Cường (39 tuổi).
Một ngày sau, anh Nguyễn Hữu Cường được tàu cá của ngư dân cứu sống tại vùng biển Nghệ An, cách nơi nghi máy bay gặp nạn khoảng 28 hải lý về phía đông bắc đảo Mắt. Chiều cùng ngày, anh Cường về đất liền an toàn.
Chiến dịch tìm kiếm phi công mất tích mở rộng từ vùng biển Hà Tĩnh đến Hải Phòng, với sự tham gia của hàng nghìn người và gần 200 phương tiện. Quá trình tìm kiếm, máy bay tuần thám CASA-212 số hiệu 8983 chở 9 người đã rơi trên vùng biển Hải Phòng, cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 44 hải lý.
Đến 18h ngày 17/6, ngư dân Nghi Lộc (Nghệ An) phát hiện thi thể phi công Trần Quang Khải quấn trong vải dù, cách đảo Hòn Mê (Thanh Hóa) khoảng 33 hải lý về phía đông đông nam. Ngay trong đêm, anh được tàu biên phòng đưa về đất liền.
Anh Khải đã trở về. Còn tổ bay 9 người trên chiếc CASA- 212 vẫn bặt vô âm tín.
*Video: Phi công Trần Quang Khải huấn luyện với Su-30
Thái Mạc