Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt với lò phản ứng nằm ở trung tâm thành phố dự kiến sẽ ngừng hoạt động trong 10 năm nữa. Để thay thế, Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân (Trung tâm) sẽ được thành lập nằm cách Viện 12 km, trong đó trọng tâm là lò phản ứng hạt nhân mới.
Khi Trung tâm ra đời, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện tại có thể chấm dứt sứ mệnh lịch sử sau hơn 50 năm hoạt động. Toàn bộ nhân lực của Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt hiện nay sẽ được chuyển về Trung tâm.
Ngày 12/11/2012, Bộ Khoa học Công nghệ và Nga ký hiệp định liên Chính phủ về xây dựng việc Trung tâm trên. Dự án này có tổng vốn đầu tư là 500 triệu USD do Nga hỗ trợ. Trong Trung tâm này, một lò hạt nhân mới có công suất khoảng 15MWt, gấp 30 lần công suất định danh của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt hiện nay sẽ được xây dựng, với công nghệ hiện đại, an toàn.
Theo kế hoạch, năm 2014 Trung tâm trên sẽ được khởi công xây dựng, nhưng gần năm nay, Bộ Khoa học và tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Địa điểm được Bộ chọn là khu đất hơn 100 ha ở tiểu khu 151A, phường 12, cách trung tâm Đà Lạt 12 km. Bộ đã làm tờ trình gửi Thủ tướng về việc này và trong phiên họp thường trực ngày 4/1/2013, Chính phủ đã nhất trí đề xuất của Bộ.
Tuy nhiên, đại diện tỉnh Lâm Đồng cho rằng, địa điểm mà Bộ đề xuất chưa hợp lý, vì đây là khu vực có dân cư, quá gần với trung tâm thành phố Đà Lạt, có thể gây tâm lý lo sợ cho người dân và du khách.
Vì vậy, Lâm Đồng đã có văn bản đề nghị địa điểm nên được xây dựng cách trung tâm Đà Lạt khoảng 30-40 km, trong đó địa điểm khả thi nhất là xã Đa Nhim, cách trung tâm thành phố 32 km, trên trục lộ Đà Lạt - Nha Trang.
"Việc xây dựng Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân ở Đà Lạt đặt ra vấn đề tâm lý xã hội nhiều hơn vấn đề an toàn", ông Hòa nhấn mạnh tại buổi làm việc với Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây.
Sau khi khảo sát, Bộ cho rằng địa điểm mà Lâm Đồng đề xuất cách nơi Bộ chọn khoảng 18 km. Theo báo cáo của Bộ thì khu vực này cơ sở hạ tầng chưa phát triển, việc đi lại còn khó khăn. Việc Trung tâm quá xa thành phố sẽ khiến cho việc hoạt động không mang lại hiệu quả cao, vì không đảm bảo hạ tầng thiết yếu, không thu hút được nhân tài..
Ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, nếu di dời Trung tâm ra khoảng 30 km thì Trung tâm sẽ không thu hút được cán bộ, chuyên gia giỏi đến nghiên cứu, cũng như sẽ khó phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, trường đại học trong triển khai thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phát triển điện hạt nhân và số tiền 500 triệu USD sẽ đầu tư không hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo ông Thành để thu hút cán bộ giỏi cho ngành điện hạt nhân, cần tạo điều kiện thuận lợi chứ không "xua đuổi" họ đến những nơi hẻo lánh.
Theo ông Thành, việc xây dựng Trung tâm hạt nhân ở Đà Lạt sẽ giúp Lâm Đồng có nhiều lợi thế bởi Viện Năng lượng nguyên tử có hơn 250 cán bộ nghiên cứu, và sẽ thu hút các chuyên gia có trình độ cao trong và ngoài nước tới nghiên cứu, đào tạo nhân lực.
Về lý do không an toàn mà Lâm Đồng đưa ra, ông Thành nói: "Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đang hoạt động ở trung tâm thành phố hơn 30 năm nay, chưa gây ra ảnh hưởng gì tới cuộc sống người dân và khách du lịch".
Mới đây, ngày 11/4, tại kỳ họp toàn thể lần thứ 8 của Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội, vấn đề địa điểm để xây dựng Trung tâm một lần nữa được nhắc đến. Tuy nhiên quyết định của hai bên là không thay đổi.
Báo cáo về tình hình triển khai xây dựng Trung tâm, Bộ trưởng Khoa học Nguyễn Quân nói: "Việc xây dựng lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới hiện đã quá chậm. Tất cả sẽ chờ quyết định của Thủ tướng để triển khai dự án trong thời gian sớm nhất có thể".
Hương Thu