Tại cuộc họp về cải cách hành chính do Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chủ trì chiều 26/9, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, thống kê chính thức thành phố có 8,5 triệu dân nhưng thực tế lên đến 13 triệu. Điều này gây áp lực rất lớn cho thành phố, cần phải ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử mới có thể cải thiện được tình hình.
Theo ông Phong, để thực hiện hiệu quả chương trình cải cách hành chính TP HCM đang triển khai dự án xây dựng TP HCM trở thành "thành phố thông minh". Trong đó đặt mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, giao thông thông minh, y tế thông minh.
"Người dân phải đi từ 3-4h sáng, phải chờ đến 2-3h chiều, mới được khám bệnh trong 10 phút. Điều này đang xảy ra ở hầu hết các bệnh viện của TP HCM", ông Phong nói và cho rằng xây dựng thành phố thông minh là giải pháp cấp bách để hướng tới cải cách hành chính có hiệu quả hơn.
Người đứng đầu chính quyền thành phố nói rằng, mục tiêu của thành phố là làm sao để phục vụ dân và doanh nghiệp tốt hơn. "Cải cách hành chính là một chương trình rất quan trọng, trọng tâm trong 7 chương trình đột phá của thành phố. Bởi vì chương trình này chi phối tất cả các chương trình khác", ông Phong nói.
Thành phố đã giao cho Sở Nội vụ chuẩn bị đề án phân cấp mạnh cho sở ngành, quận huyện để trình Thành ủy. "Phải khơi dậy tính chủ động, phải chuyển các đơn vị sự nghiệp công sang dịch vụ. Có như vậy mới tinh gọn đội ngũ, mới tăng được tính chủ động của cán bộ, công chức. Dân còn kêu thì nghĩa là còn làm chưa tốt", ông Phong nói.
Trước đó, báo cáo với đoàn công tác của Chính phủ về những mặt hạn chế trong công tác cải cách hành chính năm 2015-2016, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận một số cán bộ, công chức viên chức vẫn chưa làm hết trách nhiệm; còn thể hiện thái độ vô cảm, chưa đúng chuẩn mực khi giải công việc liên quan đến dân...
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được thành phố vẫn còn nhiều hạn chế, một bộ phận công chức chưa hết lòng, hết sức làm nhiệm vụ công bộc, còn nhũng nhiễu, quan liêu... dẫn đến công việc trì trệ.
Về tinh giản biên chế, ông Trương Hòa Bình cho thành phố thực hiện chậm, cần quán triệt và nghiêm túc thực hiện theo quy định.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu thành phố đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp; gắn cải cách thủ tục hành chính với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Trước đó, tại cuộc họp về phòng, chống tham nhũng với Thành ủy TP HCM sáng 26/9, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã nêu ra hiện tượng nhũng nhiễu đáng sợ không kém các vụ tham nhũng khi “đến đâu cũng có nhũng nhiễu, vòi vĩnh”. Theo Phó thủ tướng, chống tham nhũng không chỉ là đấu tranh ngăn chặn tham nhũng lớn mà còn phải ngăn chặn nhũng nhiễu, vòi vĩnh vì "cái này không phải nhỏ, gây bức xúc cho dân". Đồng thời, ông Bình cho rằng "cần phải thẳng thắn với nhau là ở nông thôn thì nhũng nhiễu ít hơn thành phố" vì đô thị là nơi làm ăn sôi động, nhũng nhiễu, vòi vĩnh cũng vì thế mà phát sinh nhiều. Về thống kê tại TP HCM mỗi năm phát hiện khoảng 10 vụ tham nhũng, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho rằng chuyện này cũng có hai mặt để xem xét. Một là đã làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng, nhưng cũng cần xem là việc phát hiện, điều tra, xử lý làm rõ được hết tham nhũng hay chưa. |
Trung Sơn