Sáng 12/6, tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, đại biểu Phương Hữu Điền yêu cầu Bộ trưởng Cường làm rõ nguyên nhân và giải pháp trước đánh giá của chính ông là "hệ thống pháp luật của chúng ta phức tạp nhất thế giới".
Trước đó vào chiều 11/6, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp đánh giá nhiều bộ luật chậm đi vào cuộc sống do phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn và yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp xử lý người ban hành, cũng như cơ quan ban hành.
Chỉ ra trong số văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh thì 13 % có dấu hiệu sai về nội dung, 43% không phù hợp về tính hợp hiến, hợp pháp, đại biểu Phạm Tất Thắng yêu cầu Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích và nêu giải pháp khắc phục.
Đại biểu Chu Sơn Hà đòi hỏi Bộ trưởng Tư pháp cho biết Bộ nào yếu kém nhất về thi hành luật để Bộ trưởng đó phấn đấu trong thời gian tới.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng yêu cầu Bộ trưởng Cường làm rõ đánh giá: "Hành lang pháp lý người ta cho 3 mét, anh hướng dẫn còn 1 mét, vấn đề hành lang pháp lý là đi thẳng thì anh hướng dẫn vòng vèo đi cong. Cái đó nó không trái, vẫn đi được từ a đến b nhưng dễ bị rơi vào bẫy, cuối cùng phải tốn kém thời gian và phải chung chi".
Trả lời các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội đến nay, trong số 1.574 văn bản đã kiểm tra thì có 312 văn bản trái pháp luật. Còn báo cáo của Bộ Tư pháp, từ tháng 10/2013 đến 30/4/2014, trong 608 văn bản có 79 văn bản vi phạm.
Bộ Tư pháp cũng phát hiện thêm các văn bản không phù hợp thực tiễn, sai về thể thức. Trong 54 thông tư sai về nội dung có 19 văn bản sửa ngay như thông tư của Bộ Giáo dục quy định đối tượng cộng điểm cho bà mẹ Việt Nam anh hùng. "Số văn bản sai sót không cao nhưng vẫn cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm", Bộ trưởng khẳng định.
Với câu hỏi của đại biểu Chu Sơn Hà về bộ nào yếu kém nhất trong thi hành luật, ông Hà Hùng Cường cho rằng, có bộ phải xây dựng nhiều văn bản như Bộ Khoa học Công nghệ, Tài nguyên, Quốc phòng, song có bộ chỉ có một văn bản như Bộ Ngoại giao hay Ủy ban dân tộc, nên khó đánh giá hiệu quả thi hành luật của các bộ.
Trả lời đại biểu Đỗ Văn Đương, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng cần bổ sung tội phạm tham nhũng như người làm giàu bất hợp pháp, không chứng minh được nguồn gốc tài sản sẽ bị thu hồi.
Đại biểu Lê Bá Thuyền yêu cầu làm rõ một số tỉnh có nhiều hơn ba phó chủ tịch khiến một một số người thắc mắc là công văn cao hơn nghị định của Chính phủ. Bộ trưởng Cường cho rằng trường hợp luân chuyển cán bộ từ Trung ương về địa phương để đào tạo cán bộ chiến lược thì không tính vào số phó chủ tịch các tỉnh, thành phố. "Đây là quy định của Đảng, chúng ta không đáng phải quan tâm, xem có trái quy định hay không", ông Cường nói.
Chốt phần chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã đề cập đến trách nhiệm của mình, của Chính phủ và các cơ quan tư pháp khác.
Chủ tịch Quốc hội cũng đồng tình với nhận xét hệ thống pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới, vì chúng ta đang xây dựng chưa hoàn thiện, đang khắc phục và đó là nhiệm vụ của chúng ta.
Hệ thống pháp luật còn nhiều vấn đề, từ chương trình làm luật, tổ chức và triển khai thực hiện từ các cơ quan nhà nước đến hệ thống chính trị, tới người dân còn tồn tại, sai sót từ chậm ban hành văn bản, chậm hướng dẫn... Hoặc có luật mà không có nghị định, có nghị định mà không có thông tư, có hướng dẫn không phù hợp.
"Văn bản vừa chậm, vừa sai, nếu sai thì rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp", Chủ tịch Quốc hội đánh giá và cho biết 312 văn bản sai sót trên tổng số 1.500 văn bản là khá nghiêm trọng, đó là chưa xem xét đến các văn bản xã, huyện tỉnh.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu khẩn trương triển khai Luật Tổ chức thi hành pháp luật, xử lý trách nhiệm với những yếu kém của các cấp chính quyền khi triển khai.
Đoàn Loan