Chiều 3/7, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có buổi làm việc với lãnh đạo Đà Nẵng về phát triển kinh tế xã hội. Theo Chủ tịch thành phố Văn Hữu Chiến, nền kinh tế đang gặp khó khăn nhưng trong 6 tháng đầu năm 2014, GDP của Đà Nẵng ước đạt t20.052,4 tỷ đồng, tăng 9,13%; khách du lịch đạt gần 1,8 triệu lượt, tăng hơn 15%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 543,5 triệu USD, tăng 10%...
Tuy ảnh hưởng do căng thẳng ở biển Đông, song ngư dân Đà Nẵng vẫn tích cực bám biển, tăng số lượng tàu và chuyến biển, tổng sản lượng khai thác 6 tháng qua ước đạt 22.965 tấn, đạt 65,5% kế hoạch năm, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2013.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Nông nghiệp đồng ý xây dựng cảng cá Đà Nẵng để phát triển kinh tế biển, làm các mẫu tàu sắt cho ngư dân lựa chọn và giám sát việc đóng tàu.
Các đại biểu cũng lắng nghe kiến nghị mở rộng cảng Đà Nẵng, với lý do kinh doanh đang vượt mức chỉ tiêu đề ra, sản lượng hàng hóa đạt 2,9 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm, nhưng diện tích kho bãi tại cảng Tiên Sa chỉ hơn 17 ha, chiều dài cầu cảng không đáp ứng được các chuyến tàu container, kho bãi quá tải ...
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, Đà Nẵng có tiềm năng phát triển về kinh tế biển, đặc biệt là du lịch khi lọt vào một trong những điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Tuy nhiên thành phố cần ổn định nền kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, tìm mọi cách phục hồi tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế đi kèm với an ninh quốc phòng; lập quỹ hỗ trợ ngư dân với nguồn ngân sách địa phương và vận động thêm doanh nghiệp, nhà hảo tâm, làm sao để giảm bớt bất lợi cho ngư dân, bởi họ không chỉ sản xuất mà còn bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Chủ tịch nước cho rằng việc mở rộng cảng Đà Nẵng là ý tưởng tốt, quan trọng là có thị trường, có hàng hóa, và có lãi. Tuy nhiên người đứng đầu Nhà nước lưu ý doanh nghiệp cần chủ động tìm nguồn vốn, không nên phụ thuộc vào nguồn vốn ODA.
"Vay ODA thì cuối cùng cũng phải trả. Phải thay đổi tư duy, khi cần thì gõ cửa ngân hàng, Sở tài chính. Tất nhiên, ngân sách Nhà nước phải hỗ trợ một phần nhưng cũng cần huy động nguồn vốn từ bên ngoài", Chủ tịch nói.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang yêu cầu dồn sức đóng tàu bè hiện đại. Cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân cần tăng cường cả về số lượng, công suất, cơ sở hậu cần để đảm bảo hoạt động, bảo vệ ngư dân đánh bắt dài ngày trên ngư trường truyền thống và thực thi pháp luật trên vùng biển chủ quyền Việt Nam. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phân bổ nhanh nguồn vốn mà Quốc hội đã quyết định, bây giờ không còn là chủ trương nữa mà là hành động.
Nhận định ảnh hưởng từ việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam gây khó khăn cho phát triển du lịch, Chủ tịch nước chỉ đạo mở rộng đường bay cho sân bay quốc tế Đà Nẵng. Thành phố cũng cần phải có ngành công nghiệp then chốt. Có thể sang Singapore hoặc một số nước có nền kinh tế phát triển để học hỏi thêm nhưng phải tính toán kỹ lưỡng, không để việc phát triển công nghiệp phá vỡ mục tiêu du lịch.
Nguyễn Đông