Tại buổi tiếp xúc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng tổ đại biểu Quốc hội số 1 (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM) với cử tri quận 4, TP HCM vào chiều 2/12, ông Vũ Hoàng Linh (ở phường 13) cho rằng tham nhũng sẽ trở thành quốc nạn nếu Đảng và Nhà nước không kiên quyết xử lý. Cử tri này cũng bày tỏ sự đồng tình việc Nhà nước thu hồi tài sản của ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ nhưng theo ông xử như vậy tính răn đe còn nhẹ.
"Việc thu hồi tài sản tham nhũng rất khó thực hiện, mà theo báo cáo của cơ quan chức năng chỉ đạt 23%. Tại sao kết quả lại thấp như thế? Do pháp luật chưa đủ mạnh hay do Nhà nước chưa kiên quyết thu hồi?", ông Linh đặt vấn đề và kiến nghị phải tăng mức phạt bằng tiền đối với những người tham nhũng; nếu không có khả năng đóng phạt thì chuyển sang phạt tù từ ít đến chung thân tùy theo mức độ vi phạm.
Cũng đề cập đến vụ việc ông Trần Văn Truyền, cử tri Nguyễn Vinh Ngọc đặt câu hỏi, các địa phương có thực sự dám đấu tranh khi phát hiện sai phạm không. Đây là nút thắt gai góc khi còn ràng buộc nhau bằng quan hệ quyền lực. "Vụ việc sai phạm của ông Trần Văn Truyền là một ví dụ điển hình... Tôi đề nghị các đại biểu Quốc hội có những động thái quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn nạn chảy máu tài sản công vụ", ông Ngọc nói.
Cử tri này cũng cho rằng, các đại biểu Quốc hội cứ loanh quanh bàn giải pháp chống tham nhũng nhưng vẫn chưa có giải pháp cụ thể. "Vẫn là con chuột và cái bình, theo tôi đặc quyền đặc lợi và các mối quan hệ quyền lực hiện nay là hình ảnh của con chuột tham nhũng và cũng là nguyên nhân gây vỡ bình chứ không phải chúng ta diệt chuột mới làm vỡ bình", ông Ngọc nói và cho rằng việc ngăn chặn và triệt tiêu tham nhũng là giải quyết cái gốc của đặc quyền đặc lợi cũng như các mối quan hệ quyền lực của cán bộ đương chức đương quyền, đó mới là "diệt chuột".
Trước những vấn đề cử tri TP HCM quan tâm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết nghị quyết của Đảng và Luật về phòng chống tham nhũng đã có. Trung ương và địa phương cũng làm nhiều việc nhưng bằng đó việc rõ ràng vẫn chưa ngăn chặn và đẩy lùi được tham nhũng, lòng dân không yên.
"Nhân dân không hài lòng, Đảng cũng không hài lòng thì phải làm sao bây giờ? Tham nhũng làm kinh tế thì thiệt hại còn về chính trị thì dân mất lòng tin. Tham nhũng đến nỗi buộc người dân phải thốt ra những lời đau lòng", Chủ tịch nước nói và khẳng định những người tham nhũng phải bị trừng trị.
Để chống tham nhũng có hiệu quả, Chủ tịch nước cũng đề cao sức mạnh của nhân dân trong vai trò giám sát. Phải tăng cường giám sát và thể hiện thực tế. "Ngoài việc phát biểu chung nêu vấn đề như ở hội trường này, thêm một công đoạn nữa là bà con cần cung cấp những sự việc nghe ngóng được càng cụ thể càng tốt như ông bà nào, tổ chức nào tham nhũng, nguồn ở đâu. Bảo đảm những thông tin này sẽ không bị bỏ qua. Bên cạnh việc điều tra của cơ quan chức năng, nguồn thông tin ban đầu rất quan trọng", Chủ tịch nước nói.
Đối với những vụ việc liên quan đến cán bộ cấp cao có dấu hiệu sai phạm mà báo chí nêu, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đảm bảo rằng sẽ tuần tự giải quyết và công bố kết quả trên báo chí. "Cô bác anh chị hãy yên lòng, không có bao che gì đâu. Nhưng mà không phải hôm trước báo chí đăng hôm sau công bố kết luận ngay lập tức, không đơn giản thế. Những người tham nhũng phải trừng trị nhưng chúng ta phải bảo vệ người tố cáo tham nhũng", Chủ tịch nước nói.
Về việc thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, Chủ tịch nước cho biết các cơ quan chức năng "cũng làm dữ lắm" nhưng số tài sản thu hồi còn rất hạn chế.
"Tham nhũng tinh vi, không phải một người riêng lẻ mà dây mơ rễ má, nó hình thành nhóm xâu chuỗi bao che bảo vệ cho nhau nên rất khó xử lý. Nhưng nếu Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết tâm thực sự, kiên trì, bền bỉ và ngày càng làm quyết liệt thì chắc chắn tình hình đất nước sẽ đỡ hơn", Chủ tịch nước khẳng định.
Hữu Công