Tại buổi làm việc của Chủ tịch nước với cử tri quận 4 (TP HCM) ngày 6/12, ông Nguyễn Thành Công đề nghị Quốc hội cân nhắc trong chi tiêu vì nợ công của nước ta sắp đụng trần.
"Việc này ảnh hưởng đến thế hệ con cháu sau này. Để giảm chi cần phải giảm biên chế trong cơ quan Nhà nước bởi nó đang là gánh nặng của ngân sách. Phải giảm từ trung ương đến địa phương, lẫn các tổ chức đoàn thể", ông Công nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, cử tri Lê Ngọc Long cho rằng Quốc hội cần kiểm soát tình hình nợ công của đất nước vì tốc độ tăng đang ở mức báo động. "Công nợ ngày càng cao. Chi lợi ích xã hội nhiều hơn là chi về kinh tế thì không ổn, về lâu dài sẽ đi vào ngõ cụt", ông nói.
Còn bà Phan Thị Bạch Tuyết nói rằng việc chống lãng phí trong điều hành của Chính phủ chưa đạt yêu cầu. Lãng phí ngày càng trầm trọng, nhiều công trình nghìn tỷ bỏ hoang. Nhưng vừa qua nhiều địa phương còn đòi xây tượng đài, trụ sở hành chính nghìn tỷ trong khi đời sống người dân, nhất là vùng sâu vùng xa, vẫn còn nhiều khó khăn.
"Hai hình ảnh này quá tương phản, gây xót xa trong người dân, làm lòng dân không an. Tình trạng lãng phí cùng với tham nhũng đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân", bà Tuyết bày tỏ lo lắng.
Trong khi đó, để tiết kiệm và tăng ngân sách cho Nhà nước, cử tri Nguyễn Văn Sơn đề nghị nên "khoán xe công" vì ngân sách tiêu tốn rất nhiều về việc này. "Cả nước có hơn 40.000 ôtô công, cùng với đó là số lượng tài xế tương đương, chi phí hàng năm lên đến 13.000 tỷ đồng. Nếu thực hiện việc khoán xe công sẽ tiết kiệm được rất nhiều cho ngân sách", ông Sơn nêu quan điểm.
Nói với cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết tình hình nợ công đang rất cao, tốc độ tăng nợ công nhanh gấp 3 lần so với tốc độ tăng GDP. Vì vậy nợ đến hạn ngân sách trả không đủ nên phải vay thêm. Trong tổng số hơn 250.000 tỷ tiền vay năm nay, một phần để chi cho đầu tư và một phần để trả nợ đến hạn.
"Nói ra điều này chúng tôi thấy lỗi của mình. Nhưng cũng mong bà con hãy giám sát các cơ quan chức năng ở địa bàn mình, ở cấp của mình và trong những kiến nghị về chính sách cũng nên kìm chế vì đều liên quan đến nợ công cả. Bây giờ mình muốn tăng lương này nọ là ảnh hưởng đến ngân sách và nợ công rồi", Chủ tịch nước chia sẻ.
Theo Chủ tịch nước, những công trình trọng điểm quốc gia thì phải được ưu tiên đầu tư vì sẽ giúp chuyển động cả nền kinh tế, tăng trưởng nhờ đó sẽ cao hơn. Đường xá, cầu cống, đê điều, trường học... vẫn phải đảm bảo trừ những loại đầu tư chưa cần thiết thì buộc phải dừng lại.
"Tốc độ nợ công mà tăng 18-20% chúng tôi cũng sốt ruột lắm. Nhưng bây giờ nếu mình phanh lại ngay thì cũng không ổn, dễ bị sốc nên phải hết sức cẩn thận. Quốc hội, Chính phủ, Đảng đều thấy rồi. Đó là lỗi của chúng tôi", Chủ tịch nước nhìn nhận và cho rằng nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do đầu tư công không hiệu quả.
"Một dự án giao thông mà sau khi rà soát kĩ lại tiết kiệm được mười mấy nghìn tỷ tiền đầu tư. Như vậy thì mình làm dự toán ớn quá, quản lý lỏng lẻo, bê bối quá", Chủ tịch nước nói.
Theo người đứng đầu Nhà nước, phải nhắc nhở từ xã, huyện đến thành phố kìm chế chi tiêu, mua sắm. "Cần lên án việc chi tiêu phung phí, không cần thiết như trường hợp một số địa phương cuối năm ngân sách còn dư thì tổ chức cho cán bộ đi chỗ này chỗ kia vô bổ. Những cái đó dân phản ứng kinh khủng, gây bất lợi chính trị ghê gớm", Chủ tịch nước nói.
Hữu Công