Ngày 19/5, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cho biết đã nhận được báo cáo của công an và Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện sau khi hai đơn vị này cử đoàn kiểm tra các bãi vàng của ông Ngô Văn Quang. Kết quả này được công bố sau hơn 2 tuần đoàn vào kiểm tra bãi vàng mà hai thiếu nữ người Nghệ An tố đang sử dụng lao động trẻ em và đánh đập họ.
“Không phát hiện sai phạm. Đoàn đã kiểm tra cả hai công ty khai thác vàng của ông Quang đóng trên địa bàn nhưng không hề phát hiện trẻ vị thành niên đang lao động tại đây. Những lao động đều đăng ký tạm trú đầy đủ. Theo nguồn tin cung cấp, khi anh em vào kiểm tra thì công ty đã giải quyết cho một số em về trước đó rồi”, ông Hà nói và cho hay đã giao công an huyện tăng cường việc quản lý khi đưa công nhân vào làm việc.
Trước đó, tối 25/4, hai em Mông Thị Khất (16 tuổi) và Lò Thị Xí (15 tuổi, dân tộc Khơ Mú, trú Nghệ An) tới trụ sở Công an huyện Nam Giang kêu cứu trong tình trạng đói lả. Khai với công an, các em nói bị bắt làm việc nặng nhọc cả ngày đêm. Nếu làm không được thì bị đánh nên rủ nhau bỏ trốn. Sau khi băng rừng rồi quá giang xe khách suốt 6 tiếng thì đến được trụ sở công an. Hai phu vàng nhí này cho hay, tại bãi vàng này còn hơn 20 lao động từ 14 đến 16 tuổi đang bị bóc lột.
Bãi vàng nơi Xí và Khất làm việc được xác định do ông Ngô Văn Quang làm chủ. Hai thiếu nữ được bàn giao cho Công an tỉnh Quảng Nam tiếp tục lấy lời khai, sau đó hỗ trợ tiền xe về quê.
Về tiến độ điều tra, đại tá Nguyễn Đức Dũng, Trưởng Phòng tham mưu kiêm người phát ngôn Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết chưa đủ cơ sở để kết luận việc ông Quang sử dụng lao động trẻ em. “Đây là sự giao thoa giữa hai mối quan hệ. Một bên cần công việc một bên thì có nhu cầu sử dụng lao động. Doanh nghiệp đã giải quyết ổn thỏa và gia đình cũng không có ý kiến gì. Chuyện không phải là lớn, sử dụng lao động trẻ thì rất nhiều. Việc xác định các cháu bao nhiêu tuổi bây giờ mình đâu có cơ sở. Vụ việc nên dừng lại”, ông Dũng nói.
Trao đổi với VnExpress, ông Quang phủ nhận việc các phu vàng bị đánh đập. “Họ được đối xử rất tốt, không có chuyện đánh đập hay bị đói. Hai thiếu nữ này nhìn người cũng đã lớn, 19 hoặc 20 tuổi rồi. Chúng cùng bố mẹ xin vào làm nên tôi nhận”, ông Quang nói.
Ông Ngô Văn Quang cũng chính là chủ khu biệt thự xây trái phép trên rừng đặc dụng Nam Hải Vân (TP Đà Nẵng), với tổng diện tích 1.400 m2. Đại gia vàng này đã cho xây dựng hơn chục ngôi nhà bằng gạch ngói, bê tông và gỗ tại đây.
Đầu năm 2015, cùng biệt thự của thiếu tướng Phan Như Thạch (nguyên Giám đốc công an tỉnh Quảng Nam), biệt thự của ông Ngô Văn Quang bị buộc tháo dỡ. Sau thời hạn 35 ngày, chỉ ông Thạch thực thi, còn ông Quang gửi đơn đi nhiều nơi, thậm chí đến tận Trung ương xin giữ lại biệt thự làm khu du lịch sinh thái, tâm linh nhưng không được chấp thuận.
UBND quận Liên Chiểu hôm 8/12/2015 ra quyết định cưỡng chế công trình với thời hạn tự tháo dỡ, hoàn thành trước ngày 31/1/2016. Tuy nhiên hết thời gian này, công trình không suy chuyển. Ông Quang sau đó có đơn trình bày và được UBND quận Liên Chiểu chấp thuận gia hạn đến hết 15/4. Hết thời hạn lần thứ ba, việc tháo dỡ chưa hoàn tất.
Ông Ngô Văn Quang là giám đốc của hai công ty vàng đóng ở huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Bãi vàng của ông nhiều lần xảy ra các vụ đào thoát, trong đó vụ lớn nhất cách đây 2 năm. Khoảng 100 phu vàng người dân tộc Khơ Mú ở Nghệ An cho rằng bị bóc lột nên đã bỏ trốn, đi bộ suốt nhiều tiếng để ra trung tâm huyện, vừa đi họ vừa hô lớn: “Anh em ơi. Tự do rồi, đói cũng về quê thôi”.
Tiến Hùng