Sáng 16/1, Chính phủ tổ chức họp Ban chỉ đạo quốc gia về giảm nghèo bền vững. Báo cáo tóm tắt kết quả năm 2014 và phương hướng nhiệm vụ năm 2015, Thứ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Trọng Đàm cho biết, năm qua tổng nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo khoảng 34.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương đã bố trí hơn 6.240 tỷ đồng.
Theo tổng hợp sơ bộ của địa phương, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm từ 7,8% xuống còn 5,8-6%, riêng ở các huyện nghèo giảm bình quân 5% mỗi năm (từ 38,2% năm 2013 xuống còn 33,2% năm 2014).
Tuy nhiên, các chính sách giảm nghèo hiện hành còn bất cập như được ban hành trên cơ sở phân tích nguyên nhân đói nghèo, chưa thực sự dựa trên nhu cầu của người cần hỗ trợ. Hầu hết giải pháp giảm nghèo được đề xuất và thiết kế ở cấp quốc gia trong khi tất cả hoạt động giảm nghèo từ xây dựng, nâng cấp hạ tầng cơ sở, phát triển sản xuất… đều thực hiện tại cấp cơ sở, thôn bản, nên các chính sách ban hành khó tiếp cận và phù hợp với địa phương.
"Tính bao cấp trong nhiều chính sách giảm nghèo dường như tăng lên, hỗ trợ nhiều bằng tiền mặt, hiện vật, hỗ trợ không kèm theo điều kiện ràng buộc cụ thể dẫn đến tình trạng sử dụng các nguồn hỗ trợ không đúng mục tiêu đề ra, tình trạng không muốn thoát nghèo của một số hộ và địa phương", ông Đàm cho hay.
Để khắc phục tình trạng này, Ban chỉ đạo quốc gia về giảm nghèo đã xây dựng đề án tổng thể đổi mới phương pháp tiếp cận nghèo đói ở Việt Nam từ đơn chiều sang đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Đây là phương pháp mới đang được các tổ chức quốc tế và một số quốc gia nghiên cứu chuyển đổi. Dự kiến, 5 chiều được đưa ra đánh giá gồm y tế, giáo dục, nhà ở, điều kiện sống (ước sinh hoạt và vệ sinh), tiếp cận thông tin.
Đại diện các bộ ngành tham dự hội nghị bày tỏ sự đồng tình với phương thức giảm nghèo bền vững năm 2015. Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Sơn Phước Hoan kể, ông đến các tỉnh phía tây Nghệ An mới biết được người lao động đã đi khỏi khu vực sinh sống 50%. "Không có việc làm khiến họ phải rời quê, lao động chính không có nhà. Vì vậy, việc quan trọng là cần đào tạo nghề cho người dân nông thôn, để họ vươn lên thoát nghèo từ quê hương", ông Hoan đề xuất.
Còn Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh thì đề cao việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân nông thôn. "Trước đây Đảng nói đang đối mặt với bốn nguy cơ trong đó có tụt hậu, nhưng nếu muốn không tụt hậu thì chỉ có ứng dụng khoa học kỹ thuật", ông Ninh nói.
Phó thủ tướng cũng khẳng định, hướng tiếp cận nghèo đa chiều và giảm nghèo bền vững là việc làm nhân văn. Khi nguồn lực từ ngân sách có hạn, cần vận động xã hội và thực hiện phương châm tăng cho vay, giảm cho không. Cho vay có thể áp dụng hình thức không lãi suất, hoặc lãi suất nhẹ mang tính tượng trưng. "Năm 2015, chỉ tiêu giảm nghèo thực hiện theo nghị quyết của Quốc hội, theo đó đề nghị giảm nghèo 2%, đối với các huyện nghèo phấn đấu đạt 4%", Trưởng ban chỉ đạo giảm nghèo quốc gia nói.
Theo đề xuất của Bộ Lao động, hộ nghèo năm 2015 là những hộ có thu nhập bình quân đầu người từ mức sống tối thiểu trở xuống (1,3 triệu đồng/người/ tháng khu vực thành thị và 1 triệu/người/tháng khu vực nông thôn) và thiếu hụt từ 1/3 nhu cầu xã hội cơ bản trở lên.
Hoàng Thuỳ